Wednesday, September 29, 2010

Cháy nhà

Cháy nhà ai mà không sợ, ấy thế mà cha Robert bị cháy nhà.

Hàng tuần tôi đi linh thao dài hạn với cha Robert mỗi sáng thứ ba, sau khi dự thánh lễ 8 giờ sáng của cha. Tôi đang ở tuần thứ hai mươi mốt, suy niệm về cơn bão được dịu xuống. Tuần này là tuần cầu nguyện liên tục vì mọi người đang cùng đồng hành với Phượng trong những giây phút cuối cùng của Phượng. Sau tin Phượng mất là tin nhà cha Robert bị cháy. Cha ngủ say khi trận hỏa hoạn xảy ra lúc một giờ rưỡi sáng, nhờ người đi làm khuya về phát giác nên cả nhà được cứu kịp thời. Cha chỉ kịp chạy ra khỏi nhà, không mang theo một đồ đạc gì. Cha mất hết.

Khi nghe tin nhà cha bị cháy, tôi nghĩ ngay đến mấy quyển Những Người Trở Lại Của Thế Kỷ 20 ở trong tủ sách của cha, với một hy vọng là nó không bị cháy. Quyển này có bốn tập, tôi đã mượn cha hai tập, còn hai tập tôi chưa dám mượn vì cha nói khi nào dịch xong hai tập đó thì lấy hai tập kia. Dịch xong hai tập đó chắc cũng phải hai năm nên tôi không vội vã. Các quyển này không còn tái bản và nó rất hay, tôi tìm đã lâu và không biết mượn ở đâu.

Nhà xứ của cha Robert rất rộng, mặt trước là đường Outremont, mặt sau là đường Champagneur. Nhà nguyện nhỏ và tủ sách nằm ở phía đường Outremont. Bãi đậu xe của cha ở phía đường Champagneur. Nhà cháy do một người bị bệnh cuồng đốt nhà châm lửa. Ngay hôm sau khi trả lời phỏng vấn của nhà báo, cha nói: “Mất thì đã mất rồi, nên tội cho họ...”

Hàng ngày cha dâng lễ lúc 8 giờ sáng ở nhà nguyện nhỏ dưới tầng hầm, cộng đoàn của cha có khoảng hai mươi người sáng nào cũng đi lễ, đủ ba màu da: trắng, đen, vàng. Đặc biệt có hai mẹ con người Việt, bà mẹ khá lớn tuổi, người con trai khó đoán tuổi vì anh bị tâm thần. Hai mẹ con ngồi bên nhau, thỉnh thoảng bà mẹ âu yếm sửa lại cổ áo cho anh. Hình ảnh hai mẹ con làm tôi nhớ đến các câu chuyện thương tâm trong quyển Người Lữ Hành Nga: cô gái bị mất trí nhớ khi gặp tai nạn, bà già có chồng chưa cưới chết trước ngày cưới, họ sống được nhờ bám vào lời cầu nguyện.

Nhìn cha Robert làm lễ - cao lớn với hàng lông mày rậm - tôi có cảm tưởng như dự lễ của một tổ phụ Hy Lạp. Trong thánh lễ cha giữ thinh lặng hai giai đoạn: lúc giảng và lúc cầu nguyện sau khi rước lễ. Cha không giảng mà ngồi thinh lặng năm phút, với tôi, đây là một sáng kiến trí huệ, với cộng đoàn những người lớn tuổi và thiểu năng, họ không cần nghe giảng, họ giảng lại cho mình nghe thì có. Phút thinh lặng sau thánh lễ cũng là sáng kiến tinh huệ, giữ tấm lòng thanh tịnh trước mặt Chúa trước khi ra về, cần gì nghe thêm lời nguyện mà lòng thì sốt ruột, tâm trí đang để ngoài bãi đậu xe.

Hai giây phút thinh lặng này làm tôi không thể không nghĩ đến cách ngồi tĩnh tọa của người đời xưa - Hésyschasme- thinh lặng, thanh thản, tập trung và đọc kinh.

Lúc nào tôi cũng xúc động khi dự thánh lễ với cộng đoàn của cha, tôi có cảm tưởng như mình là người lạ đến làm xao động cái thứ trật thinh lặng này, một thứ trật mà chỉ những người đơn sơ mới thiết lập được, họ có một tấm lòng mến mộ với trời đất, với đấng vô hình. Họ thành tâm với những gì họ nói với Chúa.

Tôi đi linh thao với cha sau giờ thánh lễ nên rất tiện cho cha. Cha gặp tôi trước khi đi làm việc mà tôi gọi là đi phát tiền chợ..., một trăm thứ việc của người nội trợ.

Sau khi cháy nhà, cha Robert làm lễ ở nhà thờ bên cạnh. Tôi đi linh thao như thường lệ. Sau thánh lễ tôi gặp cha, tưởng cha sẽ mặc áo quần mới, mang giày mới, nào ngờ cha nói: Áo quần này người ta cho cha, đôi giày này người ta cho mượn. Tôi nghĩ thầm, ai đó sao không cho đứt cho rồi, còn nói cho mượn để cha phải đi rón rén sợ mòn giày!

Nghe nhà cha bị cháy, tôi nghĩ âu cũng là dịp để cha đổi mới. Ngoại trừ điện thoại, các máy vi tính, fax, scanner là mới, các vật dụng khác chắc có từ thời xây căn nhà

Cha chỉ bảo hiểm nhà 300.000 vì nghĩ rằng nhà không có ai hút thuốc thì sẽ không cháy. Với ba trăm ngàn mà chi phí phá nhà cũ để xây nhà mới là đã 100.000 thì 200.000 ngàn còn lại xây được cái gì? Đã thế xây lại nhà xứ làm gì, ai ở mà xây, cái thân già này đi đâu ở lại không được, rao giảng yêu thương nhau thì cứ yêu thương nhau là ở chung được với nhau.

Cha còn giữ bản chính tài liệu linh thao, cha đưa tôi bài cầu nguyện tuần lễ thứ hai mươi hai, bài chia bánh! Biết là cha có đủ bánh nhưng tôi cũng chia với cha một chút bánh!

Tôi hỏi thăm sức khỏe của hai tập sách Những Người Trở Lại Của Thế Kỷ 20, cha nói chúng còn nguyên. Cha lấy đèn pin đưa tôi vào căn nhà bị cháy để lấy hai tập sách còn lại. Căn nhà tối om, khét lẹt, nhìn mấy cái ghế ở nhà nguyện cha nói: mấy cái ghế này còn tốt, còn dùng được – ôi, giá trị đồng tiền ở đây khác với giá trị đồng tiền ở các trung tâm thương mại, ôi cái ghế ngồi trang điểm ở cầu tiêu quý bà trong một số trung tâm thương mại là cái ghế ngồi của các vị quý tộc ngày xưa -, còn cái ghế ngồi ở đây đen thui nhưng còn ngồi được, tôi đang ở thế giới nào đây?


Nhìn cái đồng hồ trên tường đã đen om nhưng còn chạy đúng giờ: 9h15 sáng – 29-05-2007 – cha ngạc nhiên nói: nó còn chạy tốt. Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy cha cứ nhắc lại: nó còn tốt, nó còn tốt. Bỗng tôi thấy thương cha thật sựï, cha tìm được một cái gì còn lại sau vụ cháy nhà, đó là cái đồng hồ còn tốt, còn tốt là còn sống. Giữa đống vỡ vụn ngổn ngang tuyền những mãnh chai, còn lại một đồ vật đã ở với mình bao nhiêu năm nay, tôi có cảm tưởng như cha tìm lại được một người bạn ngày xưa.

Tôi mua cái đồng hồ treo tường màu trắng thật đẹp ở Ikea, họ để một núi đồng hồ trong cái thùng to tướng với giá: 1.99! Tôi thầm nghĩ với đà sản xuất hiện nay, cái gì cũng... một đồng, rồi thì sẽ đến thời muôn sự của chung! Tôi đang ở thế giới nào đây?

Cha đưa tôi đi một vòng xem nhà cháy. Tôi xin cha đứng chụp hình bên cạnh chiếc xe thuê mới toanh, cha nghe lời đứng cười bên chiếc xe. Cây lilas bị cháy lá nhưng hy vọng sang năm nó sẽ đâm chồi lại.


Tôi hỏi cha có sợ không, cha nói không sợ. Nếu là tôi..., không những sợ mà còn chán. Chán không biết đến khi nào mới hết chán!

Tôi không định viết bài này. Chán, có gì mà viết! Chúa nhắn rồi: cứ ngủ say đi, coi chừng đêm nay kẻ trộm đến; cứ rong chơi đi, hụt giây phút hoàng tử đến ráng chịu!

Tôi gởi hình cho Bảo Điền, Lan, Thương, Quyên... Bảo Điền viết e-mail cám ơn và thòng thêm một câu: độc giả chờ bài của phóng viên.

Tôi cần năng lực không biết chán của cha. Tôi cần lời thúc giục trẻ trung của Bảo Điền nên tôi viết mấy hàng này, gởi các bạn với cả tâm tình của tôi.

Oanh Nguyễn
Montréal 1-6-2007

No comments:

Post a Comment