Friday, August 2, 2013

Ba chị em

Lm. Nguyễn Công Đoan S.J.
 
 
“Chúa Giêsu yêu mến cô Mác-ta, cùng với hai người em là Maria và La-da-rô” (Ga 11,5).
 
Sách Tin Mừng Luca kể về hai chị em Mac-ta và Maria trong chuyến Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem (10,38-42). Mác-ta tỏ ra là chị cả, “chủ gia đình”: đón Chúa Giêsu vào nhà rồi tất bật lo chuyện bếp núc. Maria tỏ ra là cô em, ngồi bên chân Chúa, thả hồn theo lời Chúa, như thể không có gì khác phải bận tâm. Bà chị xin Chúa can thiệp, sai Maria xuống giúp một tay trong bếp. Chúa Giêsu bênh Maria: “cô đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Chúa lại như trách Mac-ta lo lắng nhiều thứ quá.

Câu chuyện này thường bị các nhà giảng thuyết “bắt cóc” để đem vào một cuộc tranh luận hoàn toàn xa lạ với sách Tinh Mừng: tranh hơn thua giữa họat động và chiêm niệm.

 Sách Tin Mừng Gioan dành cả một chương về gia đình này, kể thêm người em trai tên là La-da-rô và cho biết tương quan đặc biệt giữa Chúa Giêsu với gia đình này : “Chúa Giêsu yêu mến cô Mac-ta, cùng với hai người em là Maria và La-da-rô”. Câu chuyện kể về gia đình này là cái chết của La-da-rô và việc Chúa Giêsu gọi La-da-rô ra khỏi mồ bốn ngày sau.

Trong câu chuyện này ta vẫn có thể nhận ra dung mạo của hai bà chị như trong sách Tin Mừng Luca : Mac-ta vẫn là bà chị,  “chủ gia đình”, Maria vẫn là cô em được chiều chuộng.
 
Trong bài này, chỉ xin đề cập khía cạnh: ba chị em được Chúa Giêsu yêu mến, như ba hình tượng của những người đón nhận và đáp lại tình yêu của Chúa.

Điều thứ nhất nổi lên trước mắt chúng ta là sách Tin Mừng chẳng hề nói lý do gì khiến Chúa Giêsu yêu mến ba chị em nhà này, nhưng họ biết là họ được Chúa Giêsu yêu mến.

Hoàn cảnh Chúa Giêsu lúc xảy ra cái chết của La-da-rô: “Bấy giờ người Do Thái lại tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng Người đã thóat khỏi tay họ. Người lại ra đi sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa và Người ở lại đó” (Ga 10,39-40).

Chúa Giêsu đang trốn tránh đối phương ở Giêrusalem vì họ tìm bắt Chúa, thế mà ba chị em Mac-ta vẫn bíêt chính xác nơi Chúa Giêsu đang ở; khi cần nhắn tin cho Chúa bíêt về tình trạng sức khỏe của La-da-rô thì hai bà chị cho người tới gặp Chúa Giêsu ngay tại nơi Chúa đang ở.

Lời nhằn tin thật ngắn gọn (đúng lối văn sms ngày nay!). Có thể dịch “Cục cưng của Thầy đang đau”. Lời nhắn tin này cho thấy ba chị em này được Chúa Giêsu thưong mến tới mức nào. Cậu em La-da-rô là “Cục Cưng của Chúa”, còn hai bà chị thì cũng rất thân mật với Chúa để có thể gởi sms với nội dung và giọng văn như thế.

Điều đáng ngạc nhiên nếu so sánh với câu chuyện tương tự ở Cana trong chương 4: vị quan chức nhà vua từ Ca-phác-na-um lên Cana tìm Chúa Giêsu (cũng hai ngày đường) và xin Chúa cứu chữa đứa con trai đang đau nặng: “Xin Ngài xuống trước khi con tôi chết!”. Chúa Giêsu chữa lành tức khắc từ xa: “Ông về đi, con ông sống đó!”… Ông tin lời Chúa Giêsu và ra về. Cùng lúc đó thì ở nhà cũng cho người đi lên để báo tin cho ông. Hai bên gặp nhau giữa đường. Ông nghiệm ra là chính lúc Chúa nói với ông: “Con ông sống đó!” thì con ông khỏi bệnh.

So sánh lời xin trực tiếp của vị quan chức với sms từ Betania gần Giêrusalem tới Chúa Giêsu đang ở Betania bên kia sông Giođan (nơi ông Gio-an làm phép rửa, Ga 1,28) thấy một sự khác biệt lớn. Viên quan chức xin Chúa Giêsu “Xin Ngài xuống ngay trước khi con tôi chết”. Hai chị em Mác-ta và Maria không xin gì cả, chỉ báo cho Chúa biết là “Cục cưng của Thầy đang đau”.

Phản ứng của Chúa Giêsu lại càng đáng ngạc nhiên. Chúa không nói gì cả và cứ ở lại đó thêm hai ngày nữa. Hai ngày sau Chúa nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại miền Giu-đê!” Các môn đệ không hiểu tại sao Chúa lại liều mạng như vậy: “Người Do Thái hiện đang tìm ném đá Thầy, mà Thầy mà Thầy lại còn đi tới nơi ấy sao?” Chúa giải thích lý do: “La-da-rô bạn của chúng ta đang ngủ. Thầy đi đánh thức anh ấy đây!” Lời Chúa nói tiết lộ thêm mối tương quan giữa La-da-rô với cả nhóm môn đệ: “Bạn của chúng ta”. Các môn đệ thắc mắc: người bệnh mà ngủ được thì sẽ khỏe lại, cần chi phải liều mạng đi lên mà đánh thức”.

Nếu sự thật là như thế thì càng thấy La-da-rô là “cục cưng” tới mức nào. Chúa Giêsu liều mạng đi hai ngày đường lên Bêtania gần Giêrusalem để dánh thức “cục cưng” đang ngủ!

Nhưng Chúa nói ngay sự thật để các môn đệ khỏi thắc mắc: “La-da-rô đã chết!”. Nhưng lại thêm một câu bí ẩn: “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có ở đó, để anh em tin. Nhưng thôi, chúng ta hãy đến với anh ấy.”

Trong tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên ở Cana để “tỏ vinh quang” của Người và “các môn đệ tin vào Người”. Dấu lạ thứ hai tại Cana thì vị quan chức và cả nhà tin vào Chúa Giêsu vì Chúa đã cho con ông sống. Bây giờ Chúa lại bảo : “ La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em vì Thầy đã không có ở đó, để anh em tin”.

Thế ra Chúa đã cố tình “vắng mặt”, chờ cho “Cục Cưng” của Chúa và cũng là bạn của các môn đệ chết rồi mới tới, để cho các môn đệ tin! Thật là khó hiểu! Người dưng nước lã thì Chúa chữa liền từ xa, khiến cả nhà vị quan chức tin vào Chúa. “Cục cưng” của Chúa thì phải trải qua cái chết trong lúc Chúa vắng mặt để cho các môn đệ tin! Khó hiểu thật !

Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu với Mác-ta rồi Maria lần lượt cho thấy hai chị em đã tin vào Chúa rồi, nhưng đều nói như nhau : « Giá mà có Thầy ở đây thì em con đã không chết ! » Vẫn là « trình độ » của viên quan chức « xin Ngài xuống trước khi con tôi chết ». Chúa Giêsu đòi hai chị em phải tin Chúa là « sự sống lại và là sự sống », sự sống theo sau sự sống lại chứ không phải sự sống trước khi chết. Thế ra « cục cưng của Chúa » phải trải qua cái chết để minh họa chân lý này, trở thành biểu tượng của chính Chúa Giêsu, Chúa cũng phải chết rồi sống lại để có thể là sự sống lại và là sự sống.

Chúa không đòi người dưng nước lã nhưng đòi « Cục Cưng » phải trải qua cái chết, nấm mồ để minh họa cho Chúa.

Chính Chúa Giêsu Con Một yêu dấu của Thiên Chúa cũng phải trải qua cái chết để « là sự sống lại và là sự sống ». Khi Thiên Chúa thử thách lòng tin của Ap-ra-ham, đòi ông đem « đứa con, đứa con một, đứa con yêu dấu » đi tế lễ cho Thiên Chúa, thì phút chót Thiên Chúa bảo ông ngừng tay lại. Nhưng khi Thiên Chúa ban người Con, Con Một, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa thì Thiên Chúa không ngừng tay mà để cho Con phải chết trên thập giá, phải bị chôn trong mồ rồi mới cho chỗi dậy.

Cục Cưng thật là Cục Cưng thì phải như thế.

Hai anh em Giacôbê và Gioan, được Chúa yêu mến, dám nói nhỏ với Chúa : « Tụi con xin Thầy làm cho chúng con điều chúng con sắp xin ». Thế là xin Chúa « ừ » trước rồi mới nói ra điều mình xin ! Chúa đề nghị liền : « Có uống chén Thầy sắp uống và chịu phép Rửa Thầy sắp chịu không ?» Hai anh em cũng chẳng hiểu gì, nhưng chịu liền. Chúa cho liền : « Chén Thày sắp uống thì anh em cũng sẽ uống, phép Rửa Thầy sắp chịu thì anh em cũng sẽ chịu ». Hai anh em muốn được gần Chúa hơn những người khác thì Chúa cho uống cùng một chén đắng, chịu cùng một phép Rửa trong đau khổ và cái chết (x. Mác-cô 10,35-40).

Chẳng ai có thể trở nên « Cục Cưng » của Chúa nếu không chấp nhận chén đắng Chúa phải uống và Phép Rửa Chúa phải chịu, vì chính Chúa là Con, Con Một, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa đã phải uống chén Chúa Cha trao.

Hai chị em Mác-ta và Maria được Chúa yêu mến nhưng cũng phải khóc hết nước mắt vì cái chết của « Cục Cưng ». Chính Chúa Giêsu cũng phải khóc vì « Cục Cưng » đã ở trong mộ bốn ngày và vì thấy hai bà chị cùng với bạn bè phải khóc. Tất cả phải khóc trước khi được cười.

Một điều khác đáng suy nghĩ : sách Tin Mừng không hề nói lý do tại sao Chúa Giêsu lại yêu mến ba chị em này, nhất là « Cục Cưng của Chúa ». Chẳng có lý do nào cả !

Và họ đáp lại như thế nào ? Tin Mừng Luca có vẻ cho thấy Mác-ta chăm lo việc tiếp đón và nuôi Chúa, Maria thì ngồi dưới chân Chúa mà nghe. Hai chị em, mỗi người một cách cùng lo việc đón tiếp Chúa vào nhà mình. Nếu cả hai chị em cùng xuống bếp thì Chúa ngồi nói với gốc cột. Nếu cả hai chị em cùng ngồi nghe thì Chúa chẳng có được ly nước lã mà uống.

 Lấy bản văn này để đưa vào cuộc tranh giành hơn thua giữa chiêm niệm và họat động là “bắt cóc”, vì trong Tin Mừng Luca không hề có vấn đề này. Maria đã chọn phần tốt nhất vì chọn Lời Chúa. Tin Mừng Luca nhiều lần nói đến tính ưu tiên của Lời Chúa. “Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa, lạy Chúa!” Mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (6,46). “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (11,28). 

Tin Mừng Gioan kể tiếp về bữa ăn đãi Chúa Giêsu : Mác-ta phục vụ, Maria lấy chai dầu thơm quí giá xức chân Chúa rồi lấy tóc mà lau. Còn La-da-rô ngồi ăn với Chúa. Đúng là « Cục Cưng » ! Chẳng làm gì cả, chỉ để cho Chúa và hai bà chị « cưng » mình thôi.

Nhưng chuyện không kết thúc ở đó vì rốt cục thì người Do Thái quyết định giết Chúa Giêsu vì làm quá nhiều dấu lạ và giết cả La-da-rô nữa « vì tại anh mà nhiều người Do Thái bỏ đi và tin vào Đức Giêsu » (Ga 12,10-11). « Cục cưng » thì phải chung số phận với Chúa.

Thánh Phêrô được Chúa hỏi ba lần : « Anh có yêu mến Thầy không ? », mỗi lần ông đều trả lời «  ! » và mỗi lần Chúa đều trao đoàn chiên của Chúa cho ông chăn dắt. Sau lần thứ ba Chúa thêm : « Khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra… Người nói vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa » (21,18-19). Chúa Giêsu yếu mến ông Phêrô lắm nên mới hỏi như thế, (hỏi người dưng nước lã câu đó thì chắc là người ta dẫn vào nhà thương Chợ Quán !) và trao đòan chiên của Chúa cho ông chăn dắt. Chúa trao gia nghiệp của Chúa cho người bạn thân nhất, người bạn mà Chúa có thể tin tưởng như chính mình. Người bạn ấy cũng phải chung số phận hoàn toàn với Chúa Giêsu: « Chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa » giống như Chúa Giêsu.

Ai muốn làm « Cục Cưng » của Chúa thì cứ mạnh dạn xin, nhưng phải sẵn sàng như hai anh em con ông Dê-bê-đê, như thánh Phêrô : « Con sẽ hy sinh mạng sống con vì Chúa » (Ga 13,37).