Monday, February 4, 2013

Lao Tác Với Chúa - Họp BPV 2012


Giữa tháng mười, 2012, BPV Tây Nam họp. Một trong những việc chúng tôi bàn với nhau là không biết Tây Nam có nên host họp BPV toàn quốc vào cuối năm không.  Đa số các anh chị đồng ý vì Trung Tây mới host Đại Hội Đồng Hành năm trước.  Đông Bắc mùa đông lạnh lẽo, chắc mọi người không thích.  Tôi nhìn cuốn sổ của mình.  Sau Giáng Sinh tôi tạm xong bổn phận với ca đoàn.  Bổn phận “con dâu”(*) với dòng Chúa Cứu Thế ở Việt Nam giữa tháng giêng mới bắt đầu.  Vậy rảnh quá.  Thế là tôi hăng hái “xúi” các anh chị nhận lời vì nghĩ rằng mình có thể giúp một tay.  Tôi hứa sẽ host một gia đình nhỏ và giúp nấu một hoặc hai bữa gì đó.
Chờ hoài chẳng thấy các anh chị nói năng gì cả.  Tôi không biết có anh chị nào ở nhà tôi không, hay tôi có phải nấu bữa nào không.  Tôi hơi hồi hộp, nhưng thôi kệ, ráng…phó thác.

Gần sát lễ Giáng Sinh, tôi nhận được email của chị Thoa, “phu nhân tổng thống” Tây Nam.  Chị cho biết vì các anh chị cần ở gần nhau cho tiện việc đi lại nên không ai ở nhà tôi.  Tôi mừng húm vì không phải lo dọn dẹp nhà cửa nữa.  Tuy nhiên khi đọc qua phần nấu nướng thì tôi mới giật mình.  Chị giao cho tôi lo cơm tối thứ bảy và Chúa Nhật.  Đây là hai bữa ăn chính.  Thiệt không vậy, tôi nghĩ bụng.  Tôi đọc đi đọc lại, rõ ràng là tên tôi.  Tôi bắt đầu lo lắng.  Khi tôi hứa giúp một hai bữa, tôi nghĩ các anh chị sẽ giao cho tôi một bữa phụ thôi, vì Tây Nam có biết bao nhiêu đầu bếp trứ danh như chị Thư Hương, chị Phương Dung, chị Kim Thanh, chị Phương Hà, Thanh Dung…
Tôi xem lại “lịch trình ăn uống.”  Các bữa trưa ăn ở phố Bolsa.  Chị Thư Hương lo tối thứ sáu, chị Phương Dung và chị Kim Thanh lo trưa thứ hai, chị Phương Hà và Thanh Dung lo các bữa sáng.  Chỉ còn mình tôi, chưa có việc gì.  Tôi email lại cho chị Thoa “thăm dò.”  Tôi hỏi chị sao chị tin tưởng tôi đến độ giao cho tôi hai bữa chính.  Trong long tôi hy vọng chị nhầm lẫn trong việc sắp xếp và biết đâu sẽ đổi cho tôi làm bữa phụ.  Ai ngờ chị Thoa vui vẻ bảo tôi đừng lo, chúng mình có gì ăn nấy.  Email của chị chắc như đinh đóng cột.  “Bản án” đã ban ra, tôi chỉ việc thi hành, không còn cơ hội “kháng án” nữa.

Cánh tay trái của tôi đau khoảng 6-7 năm nay.  Đánh máy đau, nhấc một tô phở lên đau, khoanh tay trong nhà thờ cũng đau, chỉ có buông thõng xuống là bớt đau.  Tôi đi nhiều bác sĩ rồi mà chưa có ai tìm ra bệnh.  Tôi thường lái xe bằng tay phải, để cho tay trái nghỉ ngơi.  Anh Giao thỉnh thoảng vẫn trêu tôi, “thấy người tàn tật nên thương.”
Tôi thích bày ăn uống ở nhà với bạn bè.  Nhóm tôi lại phần nhiều họp ở nhà tôi cho nên tôi tự nhiên trở thành đầu bếp chính.  Tôi không giỏi nấu ăn, chỉ biết nấu một số món.  Nói chung là biết đủ để không bị đói, và biết đủ để nuôi năm cái miệng của nhóm và ông chồng không họp cũng được ăn ké.

Tôi nói nhiều và nói nhanh, nhưng làm việc gì cũng chậm chạp.  Cộng thêm cái tay trái âm ỉ đau nên tôi càng giống rùa bò hơn.  Để nấu được một nồi bún mọc, tôi mất gần một tuần.  Mỗi ngày sau giờ làm việc tôi làm một tí.  Một buổi đi chợ, một buổi hầm xương, một buổi chiên giò sống, một buổi cắt hành ngò và rửa rau… Làm như vậy tôi có giờ thong thả để chuẩn bị mọi thứ cho chu đáo.  Vả lại nếu có quên thứ gì thì vẫn có giờ để xoay sở. 
Tôi lò mò lâu như vậy mà chị Thoa lại báo cho tôi trễ nên tôi hơi hoảng hốt.  Tôi gọi ngay cho Yến cầu cứu và Yến nhận lời giúp. Tôi mừng hết lớn. 

Tối thứ năm và thứ sáu bận đi phi trường đón các anh chị nên tôi không kịp đi chợ.  Sáng thứ bảy hai đứa tôi đội mưa đi.  Phải đi hai ba chợ mới mua đủ “đồ nghề.”  Thực đơn tối thứ bảy khá đơn giản.  Chỉ có canh bún và tráng miệng là thạch dừa.  Thạch dừa đặt ở tiệm rồi nên chỉ cần lo nồi bún.
Canh bún là món tủ của tôi.  Tuy nhiên, nấu một nồi lớn cũng là một vấn đề với tôi.  Hai đứa tôi loay hoay một hồi cũng xong.  Bây giờ phải nghĩ tới việc chở đi.  Phải chia làm hai nồi nhỏ cho khỏi đổ.  Xe rời nhà tôi khoảng 5 giờ 30 chiều.  Tạ ơn Chúa giờ này chị Thoa vẫn chưa… réo.  Tới nơi gắp bún ra tô mới biết mình luộc không đủ bún.  Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, khi ghé qua chợ mua đậu, Yến đã mua thêm vài gói bún sợi lớn (với ý định nếu còn dư nước, sáng hôm sau các anh chị sẽ ăn tiếp).

Tới lúc này các anh chị đã quy tụ đầy đủ ở nhà anh chị Kỳ Thoa và sửa soạn cho thánh lễ.  Trong lúc đó tôi phải luộc thêm bún.  Loại bún sợi lớn luộc mất nhiều thời gian.  Đứng trong bếp, tôi cố gắng làm thật nhẹ nhàng để mọi người có thể tập trung xem lễ.  Trong bụng tôi rất lo mình lịch kịch ồn ào Cha la.  Mỗi khi Cha Hùng đưa mắt nhìn về phía bếp, tim tôi thót lại. Tôi chỉ thở ra khi Cha mỉm miệng cười.  Tôi nghĩ “Cha ơi Cha thông cảm nhe, con không có giỏi giang như các chị khác đâu.”
Sau thánh lễ, chúng tôi chia nhau nồi bún nóng hổi.  “Của không ngon nhà đông con cũng hết.”  Các anh chị cả ngày ở ngoài hội trường lạnh lẽo.  Tới giờ đó ai cũng đói bụng nên được tô bún nóng ai cũng vui vẻ.  Nồi bún hết không còn một giọt.  Muốn ăn thêm một chút cũng không còn.

Trong lúc chúng tôi chuẩn bị ăn, chị Thoa chạy ra ngoài mua khay gỏi đu đủ.  Chị về đến nhà thì chỉ còn một tô bún không nước lèo.  Chị vui vẻ ăn bún với nước mắm pha.  Đông người quá, chúng tôi quên mất chị chưa có phần.  Tôi nghĩ ngợi lắm vì mình là người nấu.  Các anh chị ở xa cũng ái ngại.  Tôi đành an ủi mọi người.  “Các anh chị đừng lo lắng.  Chị Thoa ở ngay đây.  Hôm nào tiện em sẽ nấu bù cho chị.”  Thế là mọi người vui vẻ.  Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tạ ơn Chúa cho tôi biết nói gì, để mọi người và cả chính tôi cũng không “feel bad” với chị Thoa nữa.
Các anh chị tiếp tục họp.  Tôi về nhà rửa đống nồi niêu xoong chảo, bay lên giường ngủ, chuẩn bị sức cho ngày hôm sau tiếp tục…“chiến đấu”.

Thực đơn ngày Chúa Nhật phức tạp hơn: cơm với cá hồi kho gừng, cá hồi chiên xốt cà chua, và canh mồng tơi.  Vì thứ bảy hơi thiếu đồ ăn nên tôi muốn làm thêm cơm chiên.  Những món này tôi đã nấu cho nhóm.  Tuy nhiên nhóm chỉ có 5-6 người thôi.  Lần này số người nhiều gấp 4-5 lần.  Tôi và Yến “vắt chân lên cổ” mà chạy.  Không còn giờ để biết ngon dở.  Hai đứa tôi chỉ mong làm cho kịp giờ. 
Nấu xong các món chính rồi tới món tráng miệng.  Tôi đề nghị mua cup cake.  Yến phản đối vì cup cake mắc tiền vô lý.  Hay là mua da-ua kiểu Việt Nam, chắc mọi người thích?   Yến cũng không chịu vì trời lạnh ăn da-ua cũng lạnh không nên.  Hay là nấu chè đậu đỏ?  Yến chưa bao giờ nấu chè đậu.  Tôi có nấu một lần lâu lắm rồi, nhưng lần đó đậu nát bét.  Tuy nhiên, hai đứa tôi chẳng còn chọn lựa nào khác nên đành phải liều thôi.

Yến rửa sáu gói đậu cho vào nồi áp suất.  Tôi thấy hơi nhiều, nhưng lại nghĩ nồi áp suất không mất nước, không bốc hơi nhiều nên chắc không sao.  Ba mươi phút sau mở nắp ra thì mới hỡi ôi một nồi đầy ắp đậu mà hầu như không chút nước nào còn xót lại.  Hai đứa tôi quên là khi nấu, đậu sẽ hút rất nhiều nước. Nhờ vậy mới nở to và mềm.  Về sau hỏi chị Phương Hà mới biết là một nồi như vậy chỉ nấu một hay hai gói đậu là nhiều.  Thật là ngớ ngẩn.  Hớt hết một phần ba đậu bên trên, phần bên dưới vẫn còn mềm.   Cho thêm nước và đường vào vẫn ăn được.  Chúa vẫn còn thương hai đứa tôi, chưa đến nỗi phải đổ đi hết. 
Chở đồ ăn tới nơi mới biết số người ngày Chúa nhật ít hơn thứ bảy gần một nửa.  Hai Cha cũng không ở lại được với chúng tôi.  Tôi ngồi xuống ăn với mọi người.  Hỡi ôi, cá kho thì mặn, cá xốt cà chua thì chẳng có mùi vị gì, canh mồng tơi thì lạt hoét vì có quá nhiều nước, cơm chiên thì vừa nhão vừa đen thùi lùi.  Tôi là người nấu mà phải cố gắng lắm mới nuốt hết bát cơm.  Tôi buồn và thấy thương các anh chị.  Họ biết tôi vất vả, làm sao họ dám chê. 

Little Sài Gòn có rất nhiều tiệm ăn ngon, giá cả phải chăng.  Muốn ăn món gì chỉ cần gọi điện thoại đặt là có ngay trong vòng một giờ.  Tôi nhận nấu cho các anh chị vì tôi nghĩ dù sao nấu ở nhà tốt cho sức khỏe hơn.  Tôi muốn các anh chị được thưởng thức những home-cook meal thật ngon miệng.   Tôi đâu có ngờ nấu cho nhiều người khó như vậy.  Nhìn nồi cá kho to đùng tôi muốn khóc.
Tôi bắt đầu ho từ đêm Giáng sinh.  Ho khan cả cổ, mất tiếng, nhức đầu.  Công việc của tôi cuối năm làm không kịp thở.  Bệnh cũng không được nghỉ.  Năm nay hãng đổi chủ mới, cách làm việc khác nên tôi càng bận rộn hơn.  Mà càng làm nhiều tay trái tôi lại đau nhiều hơn.  Bạn tôi khuyên tôi nên nghỉ ngơi và dẹp hết mấy việc “linh tinh” cho đỡ đau.  Nghỉ đến bao giờ?  Tôi đi vacation cả tuần, chẳng phải làm gì, ăn rồi đi chơi, vali cũng không phải xách, vậy mà tôi đâu có hết đau, chỉ đỡ được một tí. 

Làm sao tôi có thể ngồi yên không làm gì các anh chị phải xa gia đình trong mấy ngày lễ để sang California họp.  Họ đâu có vịn cớ đường xá xa xôi, công việc bận rộn, sức khỏe yếu kém, hay hao tốn tiền bạc để không có mặt.
Bao nhiêu năm nay chị Thư Hương đã nấu cho Tây Nam.  Nấu cho khóa tĩnh tâm, họp mặt vùng, Tết, lễ Tạ Ơn.  Không lần họp mặt nào lại thiếu những món ăn thơm ngon bổ dưỡng của chị.  Tôi đã được thưởng thức không biết bao nhiêu lần rồi. Không những được ăn, mà còn được to-go mang về cho chồng ăn nữa.  Bây giờ đến phiên tôi đóng góp.  Tôi biết mình cần phải lớn lên, phải tập nhận trách nhiệm.  Nấu không ngon thì rút kinh nghiệm lần sau nấu ngon hơn.  Mình không thể suốt đời làm em út, hưởng những hoa trái mà không làm gì hết.

Tôi nhớ lời Mẹ Terêsa Calcuta: “Sometime we feel what we are doing is just a drop in the ocean, but the ocean would be less because of that missing drop.”  Những đóng góp của tôi tuy nhỏ bé, nhưng nếu thiếu, đại dương cũng bị vơi đi một tí.  Những món ăn tôi nấu tuy không ngon, nhưng đó là nỗ lực rất lớn của tôi.  Tôi đã nấu cho các anh chị với tất cả tình thương.  My cooking is seasoned with love.  Mặc dù buồn, tôi cảm thấy được an ủi vì biết mình được lao tác với Chúa, với các anh chị trong cái ngớ ngẩn, cái “tàn tật” của bản thân.   
Tôi viết bài này khi các anh chị bên Đông Bắc cam chịu cái lạnh căm để tham gia biểu tình chống các đạo luật giết thai nhi vô tội.  Tôi cũng vừa làm xong một việc tương tự.  Tôi nấu ăn cho các anh chị “xưởng” kẹo gương Gierađô.  Hàng năm các anh chị làm kẹo gương bán trước Tết Nguyên Đán để giúp cho dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam có tài chánh trong công tác phò sự sống, chống phá thai tại quê nhà.  Lại một lần nữa, tôi lao tác với Ngài!

Chuột nhắt
tháng giêng 2013

(*) Ông xã tôi khi còn bé đi tu dòng Chúa Cứu Thế ở Việt Nam, cho nên các Cha thương mến gọi tôi là “con dâu”.