Saturday, September 19, 2009

ĐGM Bùi Tuần: LINH MỤC VỚI NHỮNG CHỦ QUAN


Tuy Đức Cha Bùi Tuần viết bài này đặc biệt gửi các Linh Mục nhưng những gì ngài viết rất thích hợp cho tất cả các tín hữu.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mỗi linh mục có những khác biệt riêng. Những khác biệt riêng đó làm nên một số chủ quan nơi mỗi linh mục. Có những chủ quan tốt. Có những chủ quan vô hại. Có những chủ quan đáng ngại. Ở đây, tôi xin chia sẻ suy nghĩ của tôi về một số chủ quan đôi khi gây ảnh hưởng bất ngờ đáng ngại cho chức vụ linh mục. Tôi dựa vào Phúc Âm.

1/ Chủ quan, khi nghĩ quá tốt về mình

Phúc Âm thánh Matthêu ghi lại chi tiết sau đây về thánh Phêrô:
"Hát thánh vịnh xong, Đức Kitô và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu.
Bấy giờ Đức Kitô nói với các ông:
Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy... Ông Phêrô liền thưa: Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã. Đức Giêsu bảo ông: Thầy bảo thật anh: Nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần. Ông Phêrô lại nói: Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy"
(Mt 26,30-35).

Quả quyết của thánh Phêrô là rất chân thành. Nhưng ngài chỉ thấy một, mà không thấy mười. Ngài không thấy tình hình bên ngoài đang xấu đi một cách bi đát. Quyền đạo nhất định loại trừ Chúa Giêsu một cách quyết liệt. Đang khi đó, các môn đệ Chúa, trong đó có thánh Phêrô, đang tới lúc mệt mỏi, không còn muốn cầu nguyện và thức nổi với Thầy. Tất cả đều là sự thực. Nhưng thánh Phêrô không nhận ra. Ngài chủ quan. Ngài nghĩ quá tốt về mình. Chủ quan đó là tai hại. Bởi vì nó dẫn tới việc Phêrô chối Chúa. Đó là một bất ngờ đau đớn. Nguyên do là quá chủ quan về mình, cho mình là vững mạnh, mà thực ra là quá yếu.

Chủ quan trên đây của thánh Phêrô cũng có thể xảy ra cho bất cứ linh mục nào. Đôi khi sự suy sụp vấp ngã không do những chủ quan lớn, nhưng do những chủ quan nhỏ.

2/ Chủ quan, khi tưởng ý muốn của mình là hợp ý Chúa

Phúc Âm thánh Matthêu kể: "Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.
Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy. Nhưng Đức Kitô quay lại bảo ông Phêrô rằng: Satan, lui lại đàng sau Thầy. Anh cản lối Thầy. Và tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người"
(Mt 16,21-23).

Chúa Giêsu nặng lời với thánh Phêrô. Chúa cho ngài biết tư tưởng của ngài coi như tốt, nhưng thực sự không tốt vì không hợp ý Chúa. Không hợp ý Chúa xem ra không có gì quá tệ, thế mà Chúa Giêsu mắng Phêrô là Satan. Thiết tưởng đó là một cách Chúa dùng, để dạy thánh Phêrô nhận ra rằng: Không gì nguy hiểm cho bằng chủ quan nghĩ rằng: tư tưởng của mình là tư tưởng của Chúa.

Chủ quan nguy hiểm trên đây cũng có thể xảy ra cho các linh mục. Chủ quan đó dễ làm an tâm chính bản thân linh mục, đồng thời cũng dễ trấn an thuyết phục người khác, khi thực hiện các chương trình do linh mục đề xướng.

3/ Chủ quan, khi dùng những cách không xứng để bảo vệ Chúa

Phúc Âm thánh Matthêu kể:

"Bấy giờ, họ tiến đến, tra tay bắt Đức Kitô. Và kia, một trong những kẻ theo Đức Giêsu liền vung tay tuốt gươm của mình ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. Đức Giêsu bảo người ấy: Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cầu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn 12 đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được" (Mt 26,50-54).

Theo các vị cắt nghĩa Kinh Thánh, thì người tuốt gươm bảo vệ Chúa Giêsu chính là thánh Phêrô. Lại một lần nữa, ngài chủ quan, tưởng rằng dùng vũ lực để bảo vệ Chúa là việc phải làm. Nhưng lại một lần nữa, Chúa Giêsu cho ngài biết: Việc ngài làm như thế là sai. Chúa Giêsu không những không khen, mà còn trách.

Chủ quan trên đây của thánh Phêrô cũng có thể xảy ra nơi các linh mục. Các ngài phản ứng trước những xúc phạm đến Chúa, đến Hội Thánh Chúa, bằng nhiều cách. Đôi khi cũng bằng bạo lực, bạo ngôn và mưu lược bất xứng. Những chủ quan như thế đều không được Chúa Giêsu chấp nhận.

4/ Chủ quan, khi giới thiệu Chúa một cách sai lầm

Thời Chúa Giêsu, các người lãnh đạo tôn giáo hay giới thiệu Thiên Chúa như một Thiên Chúa nghiêm khắc, xa cách, hay kết án, luận phạt. Ý thức điều đó, Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô:

"Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ" (Ga 3,17). Với lời trên đây, Chúa Giêsu đã đưa hình ảnh Thiên Chúa xót thương ra, để đẩy lùi mọi thứ hình ảnh chủ quan, sai lạc về Thiên Chúa. Thời nay linh mục cũng có thể đôi khi rơi vào thứ chủ quan nguy hại đó.

5/ Để tránh các chủ quan nguy hiểm

Thời nay, những thứ chủ quan trong lãnh vực tu đức, mục vụ, truyền giáo xem ra càng ngày càng nhiều. Rất cần phân định những chủ quan nào là vô hại và những chủ quan nào là nguy hiểm. Phân định không dễ. Nhưng chúng ta có hy vọng tránh được nhiều chủ quan nguy hiểm, nếu chúng ta cầu nguyện hằng ngày. Cầu nguyện không dừng lại ở đọc kinh, mà còn đi vào chiêm niệm. Để những hiểu biết về Chúa Giêsu thấm sâu vào tâm tình của ta, đến mức dung mạo sống động Chúa Giêsu dần dần thay đổi tâm hồn ta.

Việc tự đào tạo thường xuyên đó nên được kèm với việc bồi dưỡng trình độ văn hoá trí thức đạo đời. Bởi vì trình độ văn hoá trí thức cao và sâu, cũng giúp con người bớt được nhiều thứ chủ quan nguy hại.

GM. GB. Bùi Tuần

No comments:

Post a Comment