Một vài tâm tình sau khóa Linh Thao tại đan viện Xitô tại Rougemont
Đan viện Xitô Đức Bà Na-da-rét ở Rougemont là một tu viện được Đan Viện Lérins ở Pháp thành lập năm 1932.
Các tu sĩ dòng Xitô sống theo luật thánh Biển Đức (thế kỷ thứ 6), chia đều sinh hoạt trong ngày theo một thứ trật quân bình: cầu nguyện, nguyện gẫm, làm việc. Cùng thực hành đức ái, các tu sĩ cùng đi trên con đường Phúc Âm.
Bảy lần ban ngày và một lần ban đêm, các tu sĩ họp nhau lại cầu nguyện trong nhà thờ, họ rất vui khi đón tiếp chúng tôi.
Tôi không hiểu vì sao sau kỳ đi linh thao lần này tôi nổi hứng viết vài hàng tâm tình. Có lẽ lần này đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng sâu xa chăng? Tôi phải ghi lại gấp để lưu lại những kỷ niệm của khóa này, nếu không sau một tuần ký ức tôi sẽ xóa mờ tất cả như bao lần đi linh thao trước.
Như mọi năm, sau khi đi linh thao về, ngọn lửa của Chúa Thánh Thần cháy bùng trong lòng tôi được 4 tới 6 tuần, sau đó nó tắt dần với tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày. Vài tháng trước khi đi linh thao, chồng tôi, Billy đã nhắc chừng: «Sắp đến lúc đi cấm phòng lại rồi nhé. Đi lè lẹ lên để chồng con được nhờ.» Mẹ tôi thì… «thinh lặng», bà không đốc thúc, tháp tùng tôi như mọi lần. Cái thinh lặng của bà cũng đáng ngờ lắm. Nhưng thôi, tôi chưa suy nghĩ gì nhiều về cái thinh lặng này. Trước mắt tôi đối đầu với cái sôi bùng bùng của con cái và tâm hồn tôi trước.
Và cũng như mọi lần, tôi đi với linh thao với một tâm hồn bức rức, chỉ muốn được vài ngày nghỉ ngơi, không vướng bận lo cho con cái, gọi là nghỉ ngơi trong Chúa.
Khóa linh thao kỳ này do cha Quốc Anh hướng dẫn. Tôi đã có dịp gặp thoáng qua cha Quốc Anh khi đi khoá Canh tân Đời sống Gia đình năm 2008, nhưng lúc đó tôi chưa có dịp nói chuyện với cha. Chỉ thấy cha không giống các cha khác, có một cái gì ngồ ngộ thế thôi.
Tôi không chuẩn bị tâm hồn để đi linh thao, công việc cuốn hút tôi, ngày ngày sáng đi làm đưa con đi học, chiều đi làm về đón con. Về nhà kèm bài vở, nấu ăn, làm quan tòa, làm vệ sinh cho chúng hết thì giờ.
Tôi chỉ lên đường đi linh thao. Sau khi gởi gắm con cho nội ngoại. Tôi an tâm lên đường, có chú Trinh và cô Thúy tháp tùng. Sau này tôi mới biết chú Trinh không quá giang xe sớm hơn, ở lại để tháp tùng hai bà vì sợ hai bà đi lạc. Cô Bảo Điền hù dọa chú Trinh, nếu không tháp tùng có chuyện gì hai bà ngồi khóc bên vệ đường thì chú Trinh chịu trách nhiệm. May mắn được GPS Trinh dẫn đường nên không đi lạc.
Vào tới cỗng Đan viện, một bầu khí tĩnh mịch bao trùm, dù trời tối đen không thấy phong cảnh gì, chỉ thấy hai hàng cây bên đường và vài ánh đèn leo lét bên trong. Cô Trang, cô Vân và thầy Jean-Guy đã đứng chờ ở cửa. Cô Trang đi dự khóa từ đầu tuần, bây giờ chuẩn bị lấy chuyến buýt 8 giờ tối về lại Montréal trông con để chú Trinh đi tiếp. Bên trong hành lang rất ít đèn, chỉ đủ để thấy đường đi, một thinh lặng lạ lùng bao trùm không gian. Cô Vân đưa những người mới tới đi nhận phòng, sau đó trở lại cuộc tỉnh tâm bị gián đoạn vì các người mới tới này.
Ở bếp thì không khí nhộn nhịp hơn, tiếng cười giòn của xơ Thủy mời mọi người ăn bánh mì thịt, ăn xôi do chị Phương, vợ anh Thới gói ghém cho chồng và các bạn. Có thực mới vực được đạo, thế là mọi người nhào vào thưởng thức hương vị ngon ngọt bánh mì làm tại gia (tôi chấm 10/10 vì chưa bao giờ được ăn bánh mì ngon như vậy.)
Sau khi no bụng, mọi người lên nhà nguyện dự lễ. Nhà nguyện là một căn phòng vuông vức, không cửa sổ, một dãy hàng ghế bao quanh tường trông thật ấm cúng. Phía dưới nhà nguyện là nguyện đường chính của Đan viện, nên ngồi trên này vẫn nghe thoang thoảng âm thanh nhè nhẹ của các lời hát thánh vịnh của các cha, các thầy.
Tôi không có đủ tài văn chương để kể lại từng chi tiết của ba ngày này, tài của tôi chỉ viết đúng một trang giấy thì hết ý! Cũng như các chia sẻ của các anh chị, những gì còn đọng lại trong tâm hồn tôi là được sống và tận hưởng một nơi chốn thật an bình, một phong cảnh tuyệt vời.
Không khí an bình tĩnh mịch tại đan viện đã giúp tôi cầm lòng đi vào khóa linh thao một cách dễ dàng. Tôi cũng không ngờ được các thầy chia sẻ đời sống thường nhật của họ: tham dự giờ kinh và giờ ngồi lắng đọng trong tiếng đàn orgue thánh thót.
Mỗi ngày các thầy có 6 lần đọc kinh: 4:20, 6:45, 8:15, 8:30 sáng (thánh lễ), 11:30, 16:50 và 19:45. Các giờ kinh kéo dài từ 10 đến 50 phút. Các cha, các thầy thinh lặng kính cẩn xếp hàng lần lượt đi vào chỗ ngồi cố định của họ. Một cha đờn orgue, một cha trưởng ca đoàn, các cha thầy khác hát theo. Theo tiếng đàn thật chậm, từng câu thánh vịnh được cất lên trong bầu khí nghiêm trang, nghe thật ấm cúng và gần gũi. Điều làm tôi xúc động sâu xa, là cứ sau mỗi lần kết thúc thánh vịnh là đọc kinh sáng danh, khi đọc kinh sáng danh, các thầy các cha cúi đầu xuống thấp thật thấp, một dáng điệu cung kính và rất đẹp. Lúc đó lòng tôi dâng lên một cảm xúc: Lạy Chúa cả càn khôn, con đây nhỏ bé hèn mọn nào xứng đáng dâng lên lời ca tụng Chúa!
Một trong bốn cha ở dòng là cha Thomas, 92 tuổi, cha gần như không đứng thẳng được, lưng gù và khòm thấp xuống. Cha ngồi có vẻ như ngủ, tay không còn cầm sách hát, mắt cha đã kém, thỉnh thoảng cha chép miệng hát theo. Sau mỗi lần kinh, cha là người quay người lại tắt đèn để nhà nguyện trở lại trong ánh đèn lu mờ. Đó là hình ảnh quá cảm động, tôi sẽ khó quên. Không hiểu sao tôi quan sát cha Thomas hoài, tôi mường tượng đây là hình ảnh người cha nhân hậu trong câu chuyện Người con hoang đàng trở về. Hình ảnh người cha quá già, gương mặt đã hiện lên nét mệt mỏi, thân xác gầy còm yếu đuối nhưng lại toát lên một cái gì đó rất mãnh liệt phi thường: cả một kiên trì mong chờ, một tình yêu không điều kiện, một quyết tâm tận hiến đời mình.
Kiên trì, có lẽ đó là đức tính tôi thiếu nhiều nhất, tôi dễ bỏ cuộc, nhìn cha Thomas đứng phụ các thầy rửa chén trong chiếc áo dòng rộng thùng thình, tôi cảm thấy cha như chiếc trụ đứng đó qua bao nhiêu năm tháng. Trụ đó, để mỗi khi con cái đi xa về vẫn thấy hình ảnh của cha.
Ngắm nhìn hình ảnh này trong ba ngày vừa qua, lòng tôi cảm thấy thật bình an.
Ngoài các hình ảnh cảm động qua gương sống các cha, các thầy tại đan viện, ba ngày vừa qua chúng tôi còn được nghe các câu chuyện dí dõm của cha Quốc Anh.
Cha Quốc Anh người miền Nam, đi tu được 15 năm nay, cha nhận được ơn kêu gọi qua một khóa linh thao của một cha tây nói tiếng việt.
Cha Quốc Anh giản dị, cởi mở và vui tính. Các đề tài giảng của Cha không nặng nề, nhẹ nhàng, đầy các ví dụ gần gũi, thu hút các dự viên. Chỉ cần nhìn anh Thông vừa chăm chú nghe giảng, vừa tủm tĩm cười, vừa gật đầu đắc ý thì tôi biết là cha đang “đưa đò” xuôi buồm mát lái vì ngay khi vào khóa, cha đã cảnh cáo trước với bà con, cha chỉ là người đưa đò giúp chúng tôi đi từ “bến mê” tới “bến giác”. Một khi tới bến thì cha xin đừng ai vác cha lên bờ mà phải tự lo đi tiếp chặng đường của mình với Chúa.
Tôi từng có dịp đi linh thao với anh Thông, tôi ngạc nhiên nhìn quyển Thánh Kinh đầy màu xanh đỏ tím vàng của anh, anh tô màu, gạch đít không chừa một chữ nào, chắc chỉ ngoại trừ những chữ và, thì, là, mà… là không được tô, quyển Thánh Kinh của tôi thì trắng tinh, sạch sẽ. Hàng tuần anh cùng các bạn đi học Thánh Kinh, nghe băng Thánh Kinh, có đoạn nào không hiểu thì “chat” ngay về Việt Nam nhờ một cha giáo sư thần học dạy ở chủng viện giải thích liền, nên khi thấy anh Thông gật gù đắc ý là tôi hiểu cha Quốc Anh là người chèo đò giỏi.
Anh khâm phục cha Quốc Anh vì thấy có người thuộc lòng Kinh Thánh giống mình, đọc vanh vách Mác-cô 1, 2, 3, 4; Luca 5, 6, 7, 8 không cần mở sách.
Mỗi người trong chúng tôi đều được đưa về “bến giác”, không ít thì nhiều, qua những hình ảnh gợi ý thật vui và gần gũi vời đời sống hằng ngày.
Này nhé:
Dụ ngôn Chúa Giêsu là mục tử hiền lành: Ở Cận Đông là vùng có nhiều chiên cừu nên Chúa được tượng trưng là người chăn cừu, sống bên cạnh đàn cừu, biết rõ đàn cừu của mình. Nếu Chúa Giêsu ở Việt Nam thì Chúa sẽ chăn con gì? Chúa không thể là người chăn trâu vì tuy hình ảnh con trâu có một cái gì rất gần gũi với người Việt nhưng trâu thì không có nhiều, lại không cần phải chăn, chỉ cần một đứa con nít ngồi trên lưng, tà tà đưa trâu ra đồng, thả cho trâu tự do ăn cỏ, sau đó về nhà chơi ngủ, chiều tối ra đưa trâu về. Trâu lại không hứng chí đi lạc. Với lại, nếu phải vẽ hình Chúa Giêsu vác nguyên con trâu trên vai thì coi không được chút nào. Không ai vác nổi! Vì những lý do trên, cha gợi lên hình ảnh thân thương của người chăn vịt ở những cánh đồng bát ngát miền Nam.
Chăn vịt thì khó hơn chăn cừu nhiều, người chăn vịt luôn luôn sợ một chuyện: kẻ trộm, buổi tối phải ngủ ngoài chòi để canh trộm! Người chăn vịt luôn luôn phải tìm chỗ mới để đưa đàn vịt tới ăn vì chỗ cũ hết đồ ăn! Người chăn vịt không được an ủi như người chăn cừu, người chăn cừu buồn buồn còn ôm con cừu vào lòng vỗ về nó, và nó nằm yên để mình ôm. Con vịt thì trớt lớt! Đã thế, mỗi lần có dịch, có bệnh thì vịt chết hàng đàn, không kịp chôn! Tôi buồn buồn khi nghĩ mình là vịt, nhưng ngẫm nghĩ tôi là vịt thật, đi linh thao cả mười năm nay, mà lần nào cũng như đi lần đầu, lời giảng như nước đổ trên đầu vịt tôi! Tôi lại hay nghe theo đám đông, nghe ai nói bùi bùi tai cũng muốn nhảy qua phía kẻ trộm chơi cho biết. Tôi vẫn thích Chúa Giêsu là hình ảnh người chăn chiên, bởi vì nếu Chúa Giêsu chăn vịt thì tôi buồn quá, hình ảnh con vịt xấu quá, dân gian lại hay nói: Độc như thịt vịt!
Dụ ngôn của Người con hoang đàng trở về: Hình ảnh người cha già nua chạy ra ôm đứa con như để che chở cho nó khỏi bị những cú đòn của dân làng, của bà con vì đây là một sĩ nhục không phải cho gia đình mà cho cả làng. Người cha phải “nâng nhân phẩm” con lên để người khác đừng xúc phạm đến nó. Cha lấy hình ảnh của một ông già ở Việt Nam ngồi vĩa hè vá bánh xe đạp vào năm 1978. Mỗi lần cha đem cái bánh xe đạp nát bấy xin “ông vá cho cháu” là ông cặm cụi cắt từng miếng cao su nhỏ để vá dù bánh xe đã nát bấy không còn chỗ để vá. Chúa Giêsu như người cha già cặm cụi vá từng chút một những vết rách trong tim của chúng ta để chúng ta có thể tiếp tục lăn bánh trên con đường gồ ghề của cuộc đời;
Chuyện ông Gia-kêu gặp Chúa: ông Gia-kêu lùn: lùn thể xác và cũng là lùn trong tâm hồn. Ông khôn và chạy tới đàng trước leo lên một cây rậm rạp núp để chờ Chúa đi qua. Có gì thẹn bằng, cho là thí dụ, mình đang leo cây để nhìn vào nhà người ta, mà tự dưng chủ nhà mở cửa sổ kêu đúng tên mình! Ông Gia-kêu như vậy, đang núp ngon lành thì Chúa Giêsu cùng đám đông đi tới. Ngài lại ngừng đúng cái cây mà ông trốn, rồi lại kêu đúng tên Gia-kêu và ra lệnh cho ông ta xuống đây. Trong Kinh Thánh viết là ông Gia-kêu vội vàng tụt xuống nhưng cha Quốc Anh thì nghĩ là ông bị té cái đùng... và may thay rớt vào vòng tay của Chúa Giêsu.
Cứ những câu chuyện kể dí dõm gây ấn tượng như thế làm chúng tôi cứ muốn nghe tiếp, muốn cha nói thêm các chi tiết, cha nói: “Nói hết bây giờ, lần sau còn gì để nói” hoặc: “Tiền nào của đó, đi linh thao 3 ngày thì chỉ được nghe chừng đó thôi.”
Cha đã quảng cáo linh thao rất hay, làm cho ai cũng giơ cả hai tay khi ban tổ chức hỏi có ai sẽ đi khóa linh thao năm 2010.
Dư âm của khóa linh thao này sẽ tiếp tục giúp tôi lăn bánh trên con đường đến với Chúa và giúp cho tôi biết lựa chọn, không hẳn chỉ là cái tốt, mà là cái tốt hơn cho đời sống của tôi.
Để kết thúc, tôi xin mượn lời chia sẽ ngắn gọn của chị Tuyết trong đêm chia sẻ kéo dài hơn hai giờ, gói ghém gọn gàng trong hai chục chữ sau:
“Tuyết xin được chia sẻ, Tuyết cám ơn ban tổ chức và mong gặp lại các anh chị sang năm”.
Hiền Minh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Cam on Hien Minh da chia se nhung tam tinh quy gia nay, chua bao gio di Linh Thao, cu nghi la se nang ne lam, nhung qua loi Hien Minh thi thay khoa tinh tam cua Linh Thao de thuong qua chung, hy vong se co dip tham gia:)
ReplyDeleteChi