Thursday, December 13, 2012

Bài nói chuyện của cha Eli Thành tại Đại Hội Đồng Hành 2011.

Thiên Chúa dẫn Đồng Hành vào CLC
[Ghi lại những điểm chính yếu và chuyển ngữ qua tiếng Việt]



Đồng Hành chúng ta gia nhập vào CLC như thế nào và ích lợi của sự gia nhập này.

Đây là một đề tài phong phú và tế nhị, cho chúng ta biết gốc rễ của mình, hiểu lịch sử của mình và từ đó cảm nhận sâu xa hơn chúng ta là ai. Lịch sử cũng dẫn chúng ta đến những đề nghị sáng tạo cho tương lai.

Thiên Chúa đã hướng dẫn Đồng Hành nhập vào CLC. Chính Chúa đã dẫn dắt chúng ta và hy vọng chúng ta tiếp tục cho Chúa dẫn dắt để chúng ta có một tương lai huy hoàng.

Sự gia nhập CLC-USA xẩy ra qua nhiều giai đoạn:

Chúng ta như đang ở trong một khu vườn. Những cây trái và hoa lá này đã sinh sôi nẩy nở từ rất nhiều hạt giống. Cha đã chứng kiến những hạt giống và giấc mơ đầu tiên. Chúng ta phải cám ơn anh Peter Tạ Đắc Cường và vợ là chị Tuyết vì giấc mơ đầu tiên là của anh Cường.

Lúc ấy Cha làm Hiệu phó tại một trường trung học ở Phi Luật Tân. Anh Cường nhìn thấy nhu cầu của thanh thiếu niên VN (YaYA) tại Hoa Kỳ và mơ rằng có một linh mục làm việc với YaYA Việt Nam. Giấc mơ của anh được các cha Dòng Tên ở Portland, Oregon khuyến khích. Thế là anh viết thư lên Giám Tỉnh, rồi viết lên Rome, xin với Cha Bề Trên Cả Arrupe. Anh xin đích danh Cha, vì Cha quen thuộc với gia đình anh, đã làm phép hôn phối cho vợ chồng anh.

Cha ở Phi Luật Tân làm việc với rất nhiều thanh thiếu niên bản xứ. Cha nói với anh là lời anh xin Cha làm việc cho thanh thiếu niên VN tại Hoa kỳ là một giấc mơ thôi. Nhưng Anh vẫn tiếp tục viết thư xin. Những advisors cho cha Arrupe nói rằng: Sao mà một linh mục ở Phi Luật Tân lại đi sang Hoa Kỳ làm việc với giới trẻ VN? Kế hoạch này không hợp lý!!! Nhưng có một advisor thì nói:Tại sao không? Cứ thử xem sao! Ông là người duy nhất ủng hộ đề án này.

Cha nhận được sứ mạng “Làm mục vụ cho thanh thiếu niên VN tại Hoa kỳ và Canada”, chỉ giản dị như vậy, không thấy nói đến nhu cầu, cũng không nói đến tài chánh và có một năm để chuẩn bị. Cha vẫn còn làm việc tại trường học nhưng bắt đầu suy nghĩ và mơ ước. Cha cảm thấy rất rõ ràng là mình cần sự hỗ trợ của một cộng đoàn giáo dân khi thi hành sứ mạng này, vì 2 lý do:
  1. Cha cần sự trợ giúp của những người đã có kinh nghiệm làm việc với giáo dân, có đủ những chương trình về huấn luyện, về tâm linh, về căn tính, ... những chương trình căn bản cũng như những cách thức làm việc với giới trẻ.
  2. Cha không muốn làm công việc của chính mình, mà là việc của Giáo hội.
Cha tìm hiểu thì thấy Giáo hội có 2 phong trào dành cho giáo dân: Neo Catecumenate và Christian Life Community (CLC). CLC được cải tổ từ Hiệp Hội Thánh Mẫu vào năm 1967. Cha là thành viên của Hiệp Hội Thánh Mẫu nên Cha biết CLC là hậu thân của HHTM, một cộng đoàn giáo dân sống theo linh đạo I-Nhã. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, HHTM vẫn còn được biết đến nhiều và CLC thì như không hiện diện. Ngoài ra, Cha cũng thấy có nhóm Neo Catecumenate, một phong trào giáo dân rất mạnh ở Phi Luật Tân, có đến hàng trăm ngàn người.
 
Sau đó, Cha đã chọn CLC vì CLC sống theo linh đạo I-Nhã mà Cha thì thuộc DòngTên, chứ Cha không biết nhiều về CLC.

Cha chọn CLC hỗ trợ cho mình khi làm mục vụ cho YaYA VN nhưng không gặp người lãnh đạo nào của CLC ở Portland hay Seatle cả. Cha đi đến St. Louis nơi có văn phòng thư ký CLC, gặp ông Mike Strain. Chúng ta có món nợ ân nghĩa với ông này vì ngay từ đầu, ông coi chúng ta như bạn và đã giúp chúng ta rất nhiều, như là:
  • Mời chúng ta tham dự các Đại hội (?) Đại Biểu tại Washington, Omaha, Cleverland.
  • Thành lập Ban Phục Vụ của CLC-USA, là những người đã hỗ trợ ĐH.
  • Tổ chức các khóa huấn luyện Điều hợp viên(?) của nhóm. Từ trước đến nay, chúng ta rất vững về cách làm Linh thao, nhưng chúng ta không biết cách điều hành nhóm hay xây dựng cộng đoàn. Rồi từ các khóa huấn luyện này, chúng ta biết đến Nguyên Lý Nền Tảng, những tài liệu về các hiệp hội thế giới và vô số các tài liệu quý báu khác.
Những chuyện ấy xẩy ra từ 1980 đến 1990.

1990, Cha được gọi về Rome làm việc. Cha không ngạc nhiên/lo lắng về chuyện ra đi vì Cha không xây dựng ĐH một mình. Các con đã gánh chung trách nhiệm, đã trở thành Bạn Đường Cầu Nguyện, đã giúp trong các khóa tĩnh tâm, ... Càng ngày các con càng gánh vác nhiều trách nhiệm hơn.

Vậy mà khi Cha đi Rome, thì toàn phong trào gặp khủng khoảng.
 
Người nối tiếp Cha, là Cha Dominici. Cha Dominici thuộc nhóm Focolare, giảng tĩnh tâm theo khuynh hướng của nhóm này nên không thích hợp với CLC. Hai năm sau, là cha Dominic Hùng. Cha Hùng trẻ, không thuộc nhóm nào, chỉ đơn giản là một linh mục Dòng Tên, một người thánh thiện, thông minh và mở lòng. Khi cha Hùng làm Tuyên Úy, thì Đồng Hành gặp khủng khoảng. Sau nhiều năm, chúng ta đã chia thành 2 nhóm: Phong trào Linh Thao và Cộng đoàn Đồng Hành. Phong trào Linh Thao gồm một số nhỏ, là những người rất tích cực tổ chức các buổi tĩnh tâm nhưng không thuộc về Cộng đoàn ĐH. Cộng đoàn ĐH thì có cả trăm thành viên nhưng lại không tích cực trong việc lo tĩnh tâm. Anh Cường nghĩ Đồng Hành là của mình và giữa 2 nhóm đã có những căng thẳng.

Sự khủng khoảng đưa đến việc “xóa bàn làm lại”, theo như sự soi sáng mà Hào-Bảo Điền nhận được. Xóa bàn làm lại từ đầu, để giấc mơ của anh Peter Cường và cha Thành, trở nên giấc mơ của các con. Trong giai đoạn này, sự hiện diện của Chúa rất quan trọng. Chúng ta đã đau đớn nhiều vì mất anh chị Cường-Tuyết và vì họ phải chịu nhiều tổn thương, nhưng chúng ta phải chấp nhận. Cũng giống như người phụ nữ phải chấp nhận đau đớn để em bé được ra đời. Đó là vào năm 1993.

Vào năm 1998, Cha vẫn ở Rome. Đồng Hành chuẩn bị xin gia nhập CLC Thế Giới với tư cách một quốc gia, nhưng không dựa trên địa dư, mà dựa trên chủng tộc, với tên gọi Vietnamese National Community. Lúc ấy đã có 60 thành viên trong CLC Thế Giới. Chúng ta hy vọng được là thành viên thứ 61. Ban Phục Vụ CLC–Thế Giới nói: Được, nhưng phải đợi 5 năm, là khoảng thời gian họ quan sát chúng ta trước khi chấp thuận. Rồi Cha không là Vice Assistant ở Rome nữa. Vị Vice Assistant mới cho biết: Không thể được. Không một cộng đoàn nào có thể trở nên thành viên của CLC-Thế Giới mà không có một lãnh thổ.

2001, Secretariat Trung Ương và ban Phục Vụ CLC-Thế Giới từ chối đơn xin gia nhập như một quốc gia của Đồng Hành. Họ khuyên chúng ta sát nhập vào CLC-USA sau khi họ đã dò ý vào biết CLC-USA chấp thuận. ĐH giữ được nguyên vẹn cấu trúc và ban lãnh đạo của mình khi gia nhập vào CLC-USA.

Từ 2001 đến 2004 là tiến trình của sự gia nhập đó.

Và 2004 tại Miami chúng ta đón mừng sự gia nhập vào CLC-USA với tràn ngập vui niềm vui.

Câu hỏi các con hay đặt ra là: Sự gia nhập vào CLC giúp cho tôi và cho nhóm của tôi như thế nào?
Đây là những lợi ích theo kinh nghiệm của Cha:
  • Trong CLC, các con được làm bạn với những người rất tốt lành. Tình bạn với những người tốt lành là món quà to lớn, đặc biệt và tốt nhất. Đó là cả một đặc quyền khi được biết nhau. Vậy hãy vươn ra khỏi giới hạn của nhóm mà tham gia vào cộng đoàn CLC để có những người bạn tốt lành. 
  • Những chương trình huấn luyện, những cách giúp phát triển cá nhân, phát triển nhóm và phát triển cộng đoàn. Nguyên Lý Nền Tảng, món quà của Chúa dành cho nhiều thế hệ về cách sống theo Chúa, chính là kết quả của biết bao giấc mơ và dự án. Ngoài ra, còn có rất nhiều tài liệu phong phú khác.
  • “Kiềng Ba Chân” rất quan trọng, giúp chúng ta sống theo ơn gọi vì:
    - Đời sống tâm linh giúp mình sống kết hợp với Chúa
    - Đời sống nhóm giúp chúng ta sống không chỉ như một nhóm bạn mà còn là một cộng đoàn tông đồ.
    - Đời sống phục vụ: chúng ta biết phát triển sứ mạng. Chúng ta không chỉ làm việc mà chúng ta được Chúa sai đi.
Một khuyết điểm thường xảy ra khi chúng ta mơ nhiều. Đó là sự khác biệt không tránh được giữa đời sống theo các tài liệu (thí dụ Nguyên Lý Nền Tảng) và thực tế. Các con hãy nhớ Nguyên Lý Nền Tảng là một lý tưởng, vượt qúa thực tế nhưng gây hứng khởi cho chúng ta trong hành trình tìm Chúa. Do đó, nếu chúng ta không sống được như trong Nguyên Lý Nền Tảng thì cũng đừng nản lòng mà hãy dùng Nguyên Lý Nền Tảng hướng dẫn các quyết định, chương trình,... của mình.

Cũng có những cạm bẫy to lớn trong CLC.

Thứ nhất, là tinh thần khép kín (narrow-minded mentality) của nhóm: Hiệp Hội Thánh Mẫu là một phong trào quần chúng; khi được chỉnh đốn lại thành CLC thì theo hình thức nhóm nhỏ, từ đó chúng ta có các nhóm. Một nhóm gần gũi nhau cho ta những người bạn tốt. Nhưng chúng ta cần để ý đến cạm bẫy nếu sự hiện diện tại nhóm thì đông đủ mà tại cộng đoàn thì thưa thớt, nếu thành viên hăng hái việc nhóm nhưng lại lơ là việc cộng đoàn, nếu sinh hoạt nhóm trở nên trung tâm điểm còn sinh hoạt cộng đoàn thì tùy ý. Lúc ấy thì nhóm chỉ thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà thôi.

Điều nguy hiểm thứ hai là thiếu huấn luyện. Điểm son của CLC là các khóa huấn luyện. Bởi thế, nếu thiếu tĩnh tâm hay các khóa huấn luyện thưa thớt, thì :
  • Nhóm sẽ thu nhỏ dần dần, mất đi sự phong phú về tu đức và thành một nhóm thân hữu hay nhóm cầu nguyện.
  • Những nơi không có chương trình phục vụ tông đồ sẽ trở nên khô khan nghèo nàn và mất đi căn tính (?)
  • Cộng đoàn thiếu tăng trưởng nên thu nhỏ lại.
Mối nguy hiểm thứ ba ở ngoài phạm vi trách nhiệm của các con. Đó là sự hiện diện ít ỏi của các linh mục Dòng Tên trong CLC. Sự phát triển và vững mạnh của CLC, tiếc thay, đưa đến sự lơ là, ít chú ý đến CLC của Dòng Tên. Tại VN hiện nay, số lượng tu sĩ Dòng Tên tăng gấp đôi. Họ là những linh mục trẻ, tốt, nhưng tụ kết lại thành những nhóm riêng rẽ. Vậy khi làm việc với VN, chúng ta cần họ cam kết là mọi người cùng hoạch định và làm việc chung với nhau. Chúng ta cũng cần mở lòng, tạo mối liên hệ mật thiết với Dòng Tên, để chúng ta có thể làm việc hữu hiệu hơn và phát triển thành một cộng đoàn tông đồ tu đức.

Để kết thúc, Cha có 2 câu hỏi cho các con:

1- Gia tài qúy báu nhất CLC mang đến cho Đồng Hành là gì?
2- Những cạm bẫy nào chúng ta nên tránh?


Như Liên ghi

+  +  +

(listen to this speech) 53'

No comments:

Post a Comment