Friday, August 5, 2011

Giằng Co và Biến Đổi

Tension and Transformation


Nói đến hai chữ tension tôi chẳng cảm thấy thoải mái tí nào. Trái lại, tôi cảm thấy “căng” cho dù bạn có bảo tôi đây là “good tension” vì tension này giúp tôi thay đổi và lớn lên. Tôi lại càng không hiểu bạn muốn nói gì !

Bạn lại giải thích rằng “tension” ở đây phải hiểu là “GiằngCo” làm tôi tự nhiên liên tưởng đến trò chơi kéo dây. Qua đó người của hai đội vừa giằng vừa cố sức co kéo giây thừng về phía đội của mình. Như vậy, giằng co (pulling about) ở đây có nghĩa là tranh dành lấy cho mình. Bạn phải giải thích “Giằng Co” có một nghĩa khác. Đó là một tâm trạng của ý chí, đem lại cảm thức lưỡng lự, phân vân hay lúng túng không biết phải làm thế nào. Tỉ dụ: nên hay không nên; lấy cái này thì phải bỏcái kia … đó là sự giằng co trong chọn lựa. Như vậy thì “tension” với ý nghĩa “giằng co” này, tôi thấy rất thường sảy ra trong cuộc sống hằng ngày.


Lấy một ví dụ đơn giản, uống bia hay không uống bia, hút thuốc hay không hút thuốc, mua cái này hay mua cái kia, cùng với con cái đi lễ tiếng Anh hay tiếng Việt … v. v… Tôi luôn có sự giằng co trong cuộc sống hằng ngày. Những giằng co này tuy rất nhỏ nhưng liên tục nối kết thành một chuỗi ngày của tôi. Và nhiều chuỗi ngày này đan dệt nên cả cuộc sống. Bên cạnh như giằng co liên tục ấy cũng có những giằng co lớn, đem đến những quyết định mạnh mẽ làm thay đổi cuộc sống cá nhân hay gia đình của tôi, chẳng hạn như học ngành này hay ngành khác, mua nhà này hay nhà kia; “move” đi tiểu bang này hay tiểu bang nọ. Giằng Co như thế cho tôi biết rằng tôi có tự do, và tôi được mời gọi biết dùng tự do của mình mà chọn lựa. Vấn đề ở đây là tôi phải biết chọn lựa như thế nào theo đúng ý Chúa, có ích lợi cho cuộc sống thiêng liêng của tôi. Nghĩa là biết chọn lựa để tôi được biến đổi và lớn lên, rồi trở nên thành toàn theo ý định của Thiên Chúa dành cho tôi.

Nếu tôi luôn giữ lòng sáng suốt với ý thức thuận theo ý Chúa, chiều theo thao thức làm đẹp lòng Chúa thúc dục trong tôi, tôi luôn cảm thấy sự giằng co này. Vì lắm lúc tôi sợ “chọn theo ý Chúa” để được Chúa biến đổi thì phải bỏ ý riêng của mình. Tôi cảm thấy mất mát, không được thỏa mãn theo bản năng. Chọn theo ý Chúa, tôi cảm thấy thiệt thòi thua kém, không được chú tâm, hay không được chiều chuộng. Tiếng nói của bản năng với tính tự kỷ, tự ái và tự phụ gào thét trong tôi đòi tôi phải đòi quyền lợi cho cá nhân tôi, hoặc phải tỏ mình ra với cái hào nhoáng giả tạo bên ngoài của tôi.

Tuy nhiên, điều gì đem lại cho tôi sự bình an thăm thẳm trong tâm hồn với một cảm thức ngọt ngào sâu lắng trong tim. Đó mới chính là ý muốn của Chúa dành cho tôi. Chúa có kế hoạch với những ước mơ cho riêng tôi,và để dẫn đến kế hoạch của Ngài, Chúa đặt ước mơ ấy thật sâu trong nội tâm của tôi. Để cảm nhận được điều này, tôi có thật sự “bình tâm” (indifferent: LinhThao số 23) không? Và để có sự bình tâm này, thánh I-Nhã dậy tôi phải chú tâm cầu nguyện để chọn theo Chúa Kitô. Trong tĩnh tâm Hai Cờ Hiệu (Two Standards LT #143-147), người dạy tôi bước theo Thày Chí Thánh, tôi phải đặt giá trị quan cuộc sống của Ngài lên trên hết mọi sự. Đó là cần phải biết trở nên nghèo khó, vui nhận chịu khinh khi để có lòng khiêm hạ thật. Để đánh đổ tiếng nói bản năng gào thét trong tôi, tôi phải chọn Bậc Ba của Lòng Khiêm Nhượng (LT # 167). Đó là tập sống khước từ để nên nghèo khó cả tinh thần lẫn vật chất, chịu hiểu lầm và khinh khi, và đi vào mầu nhiệm thương khó để nên giống Chúa Kitô. Sống theo tinh thần này, tôi không mang bộ mặt ảo não và sầu bi nhưng quả cảm và hân hoan, hùng dũng tiến bước theo Ngài trên con đường thập giá.

Nói một cách đơn sơ dễ hiểu, đối diện với những Giằng Co để được Biến Đổi, thánh I-Nhã không bảo chúng ta nhẫn nhượng chiều theo ý mình, cũng chẳng tìm cách làm vui lòng người khác, nhưng dẫn chúng ta đến Chúa Kitô đang chịu chết thống khổ trên thập giá. Nơi đó, người bảo chúng ta hãy trầm mặc suy niệm và tự hỏi chính mình: “Chúa Kitô, phận là một vị Thiên Chúa đầy uyquyền và vinh quang, nhưng đã khước từ tất cả để sống thân phận con người, chung vui xẻ buồn với tôi … để rồi … cuối cùng Ngài bị chối bỏ, chịu hành hạ, hổ nhục và chết thảm thiết trên thập giá như thế đó … tất cả chỉ vì tôi và cho tôi. Vậy: (1) Tôi đã làm gì cho Chúa Kitô?; (2) tôi đang làm gì cho Chúa Kitô?;và (3) tôi sẽ làm gì cho Chúa Kitô?” (LT # 53).

Mỗi người nhìn lên thập giá, với suy niệm rằng ThiênChúa đã chọn yêu thương tôi như thế đó. Ngài đã chọn và làm tất cả như thế chỉ vì yêu tôi … và chết thống khổ đến thế … chỉ vì tôi và cho tôi ! Thế còn tôi? Tôi đã đáp trả lại Ngài như thế nào? Tôi đã, đang và sẽ chọn để làm cho Ngài như thế nào?

Đó phải là câu trả lời của mỗi người chúng ta trước những giằng co để được biến đổi trong cuộc sống!

H.T.Đoàn, SJ

No comments:

Post a Comment