Thursday, October 29, 2009

Sau cơn bão số 9 – KON TUM

(Thư do cha Trần M Quân chuyển)

Tháng 9, tháng thiếu gạo, bà con các làng quanh thị xã thường phải đi kiếm măng hoặc bòn mót hoa trái trong vườn để đổi gạo, từ trái bí trái bầu, đu đủ, quài chuối tới con chim con gà. Thói quen của bà con ở đây là không xin, mà kiếm một cái gì đó để đổi. Đổi cho nhau thì được chứ mang ra chợ thì chỉ được vài lon gạo, và bà con đã dắt nhau tới nhà các sr dòng thánh Phaolô cõng theo bất cứ thứ gì trên lưng xin đổi, có khi chỉ là một buồng chuối non hoặc trái đu đủ non, nhận rồi không biết để làm gì, chỉ biết nhận là để trao. Đều đặn mỗi ngày các sr đổi khoảng 300kg gạo. Những ngày sau lũ thì số gạo tăng gấp đôi. Bà con có người đến từ xa, đâu thể để bà con bụng đói ôm gạo trở về, và thế là lại phải cho bà con ăn tô mì hoặc ổ bánh mì, thêm một vài cái quần áo cũ. Suốt 2 tuần qua có một bà từ thành phố lên mang theo đường thốt nốt, thế là mỗi ổ bánh mì có thêm cục đường ngọt lịm tâm nhà Phật, bà cũng mua thêm bột canh với cá khô để bà con về nấu với chút gạo ít ỏi. Ngay chiều ngày nước dâng cao, một bé trai đạp xe 20km bọc theo con gà tới nhà các sr xin đổi gạo, con gà con gói kỹ đến khi mở ra thì chết từ lâu rồi, sr trao em 5kg gạo, thêm bánh mì cho đỡ đói bụng rồi hối em về lẹ vì hơn 2 ngày qua nhà hết gạo, mấy đứa em ở nhà đang khóc vì đói. Em bé ra đi trong mưa bão, nước dâng ngập tràn lan, sr băn khoăn tự hỏi tại sao mình không giữ em lại để em về giữa cơn nguy hiểm, tới nước này thì chỉ còn biết đặt em trong tay Chúa, nghe đâu mẹ em ở nhà lo sợ lắm, nhưng rồi 8 giờ tối em cũng về tới nhà, mẹ thì mừng và các em hết khóc, trong khi ma sr vẫn chưa hết bồn chồn.

Những vùng bị ngập lụt nặng sau cơn bão, đời sống bà con rất khó khăn. Nước cuốn trôi tất cả, nhưng để mang được ký gạo cho bà con cũng không dễ dàng gì. Nặng nhất là vùng Tu Mơ Rông, một huyện vùng sâu mà lại không có đường đi. Nếu lấy điểm xuất phát là Dak Tô, đi thêm 12 km sẽ tới nhà thờ Dak Resa, từ đây để chuyển gạo tới Kon Hia phải thuê xe thồ 50 ngàn 1 chuyến cho 1 bao 50 kg. Bà con xã Dak Sao muốn nhận gạo phải lội bộ mười mấy cây số. Mấy ngày qua mưa lớn đường trơn trượt xe thồ cũng không vào được Kon Hia, bà con vùng Dak Na xa xôi phải lội bộ tới nhà thờ Dak Rsa hơn 40km mới lấy được gạo, mà số gạo chia đều cho mỗi hộ chỉ được 20 kg, thêm mấy gói mì tôm và cá khô bột ngọt. Bà con sống sao với 20 kg gạo cho cả mấy tuần lễ? Gạo đem về, mỗi bữa lấy một vài lon nấu chung với khoai mì hoặc bí đỏ, nghĩa là tất cả những gì có thể nấu chung.

Từ Đak Tô vào tới nhà thờ Tea Resa 12 km, thêm 20 km tới Kon Hia 1+2, gần đó là xã Daksao, sâu nhất là xà Dak Na trong đó làng Mopanh 2 bị xóa sổ hòan tòan. Làng Mopanh 1 chỉ còn sót lại ít nhà. Bà con làng Mopanh 2 chuyển tới dựng nhà tạm sống chung với làng H’Lăng. 5 làng có chung một cánh đồng lúa, nay trở thành cánh đồng đá là Mopanh 1+2, Konhia 1+2 và làng Kon Sang. Ruộng thành đá không thể tiếp tục canh tác, nhưng đất rẫy chung quanh cũng không làm tiếp được vì đất sạt lở hết rồi. Nhiều làng khác cũng chung số phận, nhưng số ruộng lúa trở thành ruộng đá ít hơn, tuy nhiên tất cả các ruộng lúa vùng này hoàn tòan bị hư hại vì cây cối và bùn đất tràn lan. Để khôi phục lại ruộng lúa đòi nhiều công sức. Ruộng lúa hư, khoai mì và bắp trên các rẫy gò cũng hư hại vì nước cuốn làm nứt nẻ và lở đất khắp nơi, chảy dồn xuống các cánh ruộng thành ruộng đá hoăc đầy tràn bùn đất và cây cối.

No comments:

Post a Comment