Thursday, October 29, 2009

Anh em Dòng Tên VN đi thăm nạn nhân bão tại KonTum

(Thư do cha Trần Minh Quân chuyển)

Hôm nay 22 tháng 10, Tân theo chân Đức Cha Kon Tum đi thăm một số điểm bị hư hại sau cơn bão số 9.

Trước hết là vùng Sa Thầy, vùng này nhẹ nhất, nhà các Sr MTG Bac Hai bay nóc, vườn tược bà con bị hư hại nhẹ thôi, nhiều vườn khoai mì bị trốc gốc.

Qua làng Tea Pen, ngôi làng gần nhà thờ Dak Rơsa chỉ cách Đak Tô 15km, 7 cây cầu treo mới làm được 1 năm bắc ngang sông bị nước cuốn trôi hết, chỉ còn sót lại cây cầu cũ vừa được sửa lại để đi tạm, tòan bộ khu vườn cà phê khoai mì thành vườn cát mênh mông, ruộng lúa thành hồ nước, cha xứ đang tìm giống bắp cho bà con gieo trên mảnh đất ngập cát này. Đi thêm mấy cây số tới bờ sông, cây cầu bắc ngang sông đã bị nước cuốn trôi, nhưng may mắn ở phía trên còn một cây cầu treo xe gắn máy có thể qua lại. Ngay tại bờ sông có một xe của đòan cứu trợ Phật giáo nằm đó, bên cạnh là chiếc xe chuyên dùng của bộ đội bánh xích chạy trên đường và có thể nổi trên nước như một cái thuyền, từ đây đem hàng cứu trợ tới trung tâm huyện Tu Mơ Rông để phân phối cho bà con theo phiếu đã được lập sẵn theo danh sách UB. Trong khi tại nhà thờ thì trao theo danh sách các giáo phu đem tới. Các làng Môpanh 1 và 2 là những làng không có đạo cũng được các giáo phu tìm tới và mời bà con ra nhà thờ nhận gạo với mì tôm và cá khô. Để đưa gạo tới Kon Hia cho bà con ra nhận gần hơn thì khó khăn lắm, vì đường trơn trượt, mấy ngày qua trời vẫn mưa ở các vùng này, mưa không lớn, nhưng làm cho việc di chuyển bằng xe thồ trở nên khó khăn.

Đi tiếp tới ĐakGlêi, huyện xa nhất của Kon Tum. Con đường mòn HCM ngập đầy đất bùn nhầy nhụa. Một xe tải lên dốc trơn trượt phải nhờ xe car kéo phụ, đất được xe ủi đẩy qua 2 bên đường, đúng ra là đất cát, ruộng vườn cũng đầy đất cát. Tới Dakglêi, con đường vào Dăk Choong phía núi Ngọc Linh sập nhiều chỗ không thể vào được, dòng sông ngay sau nhà các Sr sau cơn nước lũ để lại cảnh tan hoang. Bên kia bờ, nhà các sr có sr giám tỉnh ghé thăm đem theo gạo cứu đói. Vòng trở về Dak Tuc và Dak Jâc, nhiều vườn mì nay chỉ còn trơ đá sỏi như lớp lớp trứng vịt trứng ngỗng. Tân gặp bà con ở nhà các sr CQP đang chia nhau mì tôm và nhận mỗi người 10kg gạo. Chú giáo phu có đứa con chết trôi theo nước và ngôi nhà bị sập cho biết vườn khoai mì và cà phê lúa rẫy của bà con vùng này không những mất trắng mà chỉ còn trơ lại đất trắng, ruộng lúa thì trở thành dòng sông mêmh mông và nay là đất cát với gốc rễ cây, trong nhà không còn gì để ăn, chỉ nhờ gạo cứu trợ.

Tuy nhiên giai đọan tiếp theo sẽ đói lớn, khi cơn bão số 9 đi vào quên lãng và các nhóm từ thiện cũng quên theo. Hiện nay đất hư hại, để tìm được đất mới không dễ dàng gì, rồi phải có cơm ăn để vỡ đất, cùng với giống để trồng. Làng Mopanh 2 đã được di dời về Hlang, nhưng còn làng Kon sang với dak Rê 1 + 2 cũng sẽ phải di dời để khai hoang đất mới thì sao? Ba ngôi làng này không bị hư hại nhà cửa nhưng ruộng đầy đá và vườn cũng trơ đá luôn.

Một cơ may hiếm có cho một số làng được cây gỗ trôi dạt đầy vườn, gỗ vườn nhà ai nhà nấy hưởng, nhưng người kinh đến trả rẻ vài ba trăm ngàn là bán lấy tiền uống rượu, những con người chỉ biết có ngày hôm nay ấy không biết đến bao giờ mới biết nghĩ được tới ngày mai. Có làng không cây gỗ cũng say xỉn vì đem gạo đổi lấy rượu. Chỉ những ngôi làng các Cha các sr tới đuợc thì đỡ khổ hơn thôi. Cây cối không được là bao nhưng gom góp mai mốt sửa nhà đỡ khổ. Có vùng cây cối trôi dạt, người sắc tộc đem rựa ra đánh dấu xí phần, người kinh tới cắt hai đầu chừa lại phần gỗ xí chừng một mét, người khôn của khó là thế, còn lại những khúc gỗ chừng 1 mét vẫn hơn là không có được chút gì.

Sáng nay ở TGM, các cha đang chất mùng mền lên xe tải đi chia cho bà con những người thiệt hại nặng, vì càng đói thì càng rét, ôm bụng đói mà chịu rét nữa thì khốn khổ lắm.

Em tập sinh kể

Theo chân đòan cứu trợ xuất phát từ nhà các sr dòng thánh Phaolô, điểm đến đầu tiên là Kon Hring, giáo xứ cha Bá lang Lý người gốc Sêdăng. Các anh chị em đồng bào đủ mọi lứa tuổi từ các nơi vùng xa đến trước đoàn để nhận ít lương thực sống qua ngày. Khi thấy đoàn chúng tôi thì họ mừng rỡ lắm bởi vì giúp đỡ họ được phần nào ngay trong hoàn cảnh bi đát này. Phần quà cho mỗi hộ gia đình là mười kí gạo, một kí muối, một ít cá khô, và một chút ít kẹo. Tôi nghĩ chừng ấy thì chỉ đủ sống vài ba hôm nếu gia đình nào đông người.

Khi phát quà xong thì phái đoàn tiếp tục đi vào trong ĐắK Glêi. Trên đường đi chúng tôi thấy những mảnh vườn cây công nghiệp, cây lúa, cây mía giờ đây chỉ là những bãi đất bùn pha cát và những gốc cây lổm chổm. Nguyên chỉ công bỏ ra để dọn vườn cho sạch thì có lẽ bằng một vụ thu hoạch hoa màu của họ. Hệ thống đường giao thông hư hại nặng đến nỗi ai đi xe mà không chú ý thì tiến thẳng vào nghĩa trang luôn. Những cây cầu nối liền đường chính với làng của họ bị phá hỏng không đi được. Phái đoàn của chúng đến nơi thì họ cũng rất vui mừng như làng trên. Tôi nhìn họ khoảng hơn hai trăm người từ người già đến người trẻ. Trong đó họ mặc với những bộ đồ mà tôi nghĩ do ai cho nên mỏng tanh, cái cao, cái dài, cái ngắn, ướt từ trên xuống. Có lẽ vì họ đợi phần quà để cứu đói dưới trời mưa hay là vì họ phải lội qua một dòng sông từ làng bên kia để sang bên đường mà phái đoàn chúng tôi đem quà cứu đói đến. Trông vẻ bên ngoài của họ mệt mỏi, run rẩy vì đói không có gì để ăn. Khi chuyển hàng từ trên xe xuống có vài túm mì tôm rớt xuống họ nhặt để ăn cho đỡ đói. Tôi thấy họ mà trong lòng cảm thấy nghẹn nghào vì hoàn cảnh khổ cực của họ, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao khi những phần quà này rồi cũng hết. Tôi ước mong những người giàu có, tổ chức từ thiện, hay bất kỳ ai hãy nhìn về họ. Nếu ai đó mà trông họ thì cũng cảm thấy ngậm ngùi đau xót vì sự bơ vơ, đói khổ của họ.

Trong lúc phát quà một số ngừời trong phái đoàn hỏi thăm hoàn cảnh sống của họ thì họ trả lời là họ chỉ trông chờ vào phần trợ giúp của người khác. Tình hình vườn tược, hoa màu của họ mất trắng, thậm chí ngay cả nhà của họ, quần áo đồ đạc trong nhà cũng đi theo dòng nước lũ. Mạng sống của họ giờ đây chỉ mong chờ sự trợ giúp, sự chia sẻ của những nhà từ thiện, tổ chức tông đồ các dòng tu khác trợ giúp họ.

Trước khi chúng tôi chào họ ra về thì trong số họ đại diện cám ơn phái đoàn vì phần quà, vì tấm lòng hảo tâm, vì sự chia sẻ trong hoàn cảnh khó khăn này. Họ tỏ lòng biết ơn sâu xa không biết cảm ơn như thế nào chỉ biết cầu nguyện cho những ngùời trợ giúp họ cách này hay cách khác.

No comments:

Post a Comment