Sunday, November 18, 2012

Sách Khải Huyền - về thời cánh chung

Ở cuối năm phụng vụ các bài đọc một trong hầu hết các thánh lễ tuần thứ 33 và 34 thường niên được trích từ sách Khải Huyền.

Tác giả của cuốn sách này là Gioan, mà theo các nhà chú giải Kinh Thánh, không phải là Gioan thánh sử, người đã viết cuốn Phúc Âm thứ tư và các Thánh Thư.

Gioan đã bị bắt và đầy ra đảo Patmos ở phía Tây của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, vì tội rao giảng tin mừng về đức Giê su. Ông viết cuốn sách Khải Huyền này vào những năm cuối thế kỷ thứ nhất, vào khoảng năm 95 - 96, ở cuối đời hoàng đế Domitian.

Gioan muốn nhờ những gì mình viết để khuyến khích và nâng cao tinh thần của các tín hữu đang phải đối phó với khổ cực vì chính sách khủng bố và bách hại đạo của nhà cầm quyền. Ở vào thời gian đó một vị quan La Mã đang ra sức ép buộc dân chúng tôn sùng và vâng phục hoàng đế La Mã như là một vị thần của cả đế quốc ông cai trị. Do đó tất cả những gì những người công giáo đầu tiên tin tưởng nơi Đức Giê-su đều bị triệt để cấm đoán.

Gioan viết rằng tất cả những gì ông thấy được mạc khải về Đức Giê-su đã xảy ra vào một ngày của Chúa tức là ngày Chúa Nhật.  Ông nhìn thấy cả cảnh tượng của thiên đàng lẫn những gì sắp xảy đến trong tương lai.

Điểm khởi đầu là hình ảnh của Chúa Ki-tô phục sinh (đoạn 1:9-20) Sau đó trong chương 2 và 3 ông kể lại những gì Ngài truyền dạy cho ông phải viết cho 7 giáo đoàn thời đó.  Ông cũng đã viết về 7 ấn, 7 tiếng kèn, 7 thiên thần, 7 chén tai ương và những cuộc chiến cánh chung sau cùng.  Xen vào đó là hình ảnh của một người nữ và con mãng xà bảy đầu và mười sừng, và hình ảnh cuối cùng là một Giê-ru-sa-lem mới từ trời xuống.

Nguồn gốc của cuốn sách Khải Huyền này được tìm thấy từ những đoạn Cựu Ước qua các sách Ê-zê-kien, I-sa-ia, Zê-ka-ria, Đa-niel và những diễn từ của Đức Giê-su trong Phúc Âm các thánh Mác-cô chương 13, Mat-thêu chương 24-25 và Luca chương 21 về ngày cánh chung.

Sách Khải Huyền thường hay được coi là cuốn sách viết cho những người bị bách hại vì đạo. Sách nhắc đến những biến cố lịch sử, những biến cố chính trị và từ đó khuyến khích, cổ võ, nâng cao tinh thần các giáo hữu nơi mọi thời đại. Những hình ảnh cổ xưa và có vẻ huyền bí được dùng để gợi lên lòng tin tưởng và hy vọng nơi những lời hứa của Thiên Chúa, lời hứa ban cho nhân loại một trời mới và đất mới nơi một sự sống mới.

Chúng ta không nên đọc sách Khải Huyền như một tiên đoán cho tương lai, cũng không phải là một bói toán về những biến cố lịch sử nào đó sẽ xảy đến. Nhưng chúng ta đọc và để ý đến như một tác phẩm văn chương, chứa đựng những di tích lịch sử và đồng thời hàm chứa những tư tưởng thần học.  Sách Khải Huyền cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục sinh của Đức Giê-su cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, sự tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa, sự tin tưởng nơi kế hoạch của Ngài. Và khuyến khích chúng ta không dùng sự dữ để chống lại sự dữ đang bách hại chính mình, và bền lòng chịu đựng trong thử thách và đau khổ.

Câu 3 trong đoạn 1 sách Khải Huyền viết rằng: "Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó, vì thời giờ đã gần đến.”

Theo Fr. Daniel Harrington

+ + +

Ước gì chúng ta hãy giữ những lời này (Câu 3 trong đoạn 1) trong lòng, trong kinh nguyện và trong tâm trí  trong tuần này và tuần kế tiếp.

VTL
  

No comments:

Post a Comment