Wednesday, July 6, 2011

Pittsburgh: Lời mời gọi tiếp tục dấn thân

Leadership Assembly 2011

Hành trang đi Pittsburgh của tôi khác với những chuẩn bị trước đây khi sang Mỹ hội họp. Tôi chuyên chở với mình tâm tình của gia đình Đồng Hành vùng Canada, đã sai tôi đi trong sự băn khoăn và thao thức cho một tương lai mà qua việc đổi mới cơ cấu của CLC Hoa Kỳ, vùng có thể chịu những ảnh hưởng lớn lao. Song song đó, tôi ghi nhớ nội dung của hai lần nói chuyện điện thoại viễn liên, là sự chuẩn bị của cộng đoàn ĐH giúp cho các đại diện của mình biết lắng nghe và mở trí mở lòng khi về dự đại hội. Bởi thế, tâm trạng của tôi trên đường đi có khi thì bình an phó thác, có khi thì nôn nóng thắc mắc về những gì sắp xảy ra.


Tôi đã làm quen với CLC Hoa Kỳ trong dịp National Assembly tổ chức tại Washington vào năm 2009. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến sự hiện diện của các cộng đoàn nói tiếng Anh, tiếng Đại Hàn và tiếng Tây Ban Nha trong tổ chức này. Đó cũng là dịp tôi nhận ra những món quà Chúa đã ban riêng cho ĐH, như sự hiện diện của YaYA, như các chương trình S.E.E.D., Caritas, Thao Luyện Nhẹ Nhàng, mục vụ Gia Đình hay các khóa huấn luyện. Sau đó, đôi lần tôi được nghe anh Liêm, trong cương vị lãnh đạo, đã trình bầy về thực trạng và nhu cầu cần phải thay đổi cơ cấu của CLC Hoa Kỳ.

Cách đây gần 20 năm, ĐH Montreal cũng đối diện với một sự thay đổi quan trọng về cơ cấu. Chúng tôi đã nhận định và cho dù chúng tôi đã phải sẻ đôi, một số nhập vào với người bản xứ nói tiếng Pháp, số còn lại nên một với Đồng Hành VN bên Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn được lớn lên trong ơn sủng. Do đó, sự thay đổi cơ cấu của CLC Hoa Kỳ, tôi nhìn thấy như một lời Chúa mời gọi cộng đoàn ĐH tiếp tục dấn thân trong sứ mạng tông đồ để phục vụ Giáo Hội.

Điều mà tôi đã không cảm nhận được rõ ràng, là sự hiện diện của Canada trong bức tranh cộng đoàn CLC Hoa Kỳ ấy. Đối với tôi, hay có thể nói là đối với anh chị em Canada chúng tôi, hai chữ Đồng Hành là ruột thịt máu mủ gần gũi thân thương bao nhiêu, thì những chữ CLC-USA đã tượng trưng cho ‘họ’, một thực thể thật cách biệt với ‘mình’.

Cho mãi đến khi tôi tham dự Leadership Assembly 2011 tại Pittsburgh cuối tuần qua.

Đại hội đã bắt đầu từ tối thứ năm. Sáng thứ sáu khi tôi đến nơi, có một nhóm nhỏ đang chia sẻ trong phòng tiếp tân và câu đầu tiên tôi đã nghe với một âm hưởng mừng vui, là: ’Oh, Canada, she made it! How are you?’

Người đàn bà bỏ nhóm, tiến lại giang đôi tay ôm lấy tôi. Tôi chắc đó là Paula, người phụ trách ghi danh. Có điều qua cách liên lạc nhanh chóng và hữu hiệu của Paula, tôi không hề nghĩ bà ở vào luống tuổi đã về hưu từ lâu như thế.

Tiếp theo đó, tôi được hưởng tình thương của anh chị em ĐH bên Hoa Kỳ. Họ đã khôn ngoan và liên tục ‘chiến đấu’ (nói theo ngôn ngữ của anh Liêm), trong Working Group, ở nhóm nhỏ, với nhóm lớn, nơi bàn ăn, khi thong dong, ... để sự hiện hữu của Canada luôn được chú ý, đồng thời cùng với các nhóm ở Bỉ và Đức, được khẳng định là những phần tử không thể phân ly của thực thể ĐH. Tôi cũng nhận được rất nhiều hỏi han ân cần về vùng Canada của những đại diện người Mỹ. Họ đã lắng nghe và đã mở lòng đón nhận những phần tử phía ngoài biên giới của mình.

Điều gì nữa đã đến với trong tôi trong cuối tuần ấy?

Tôi yêu thích những phút trong nhóm nhỏ. Đó là lúc chúng tôi lột trần những giới hạn, những e dè, ngần ngại, lo âu hay cả những nỗi đau để chia sẻ, lắng nghe và mặc lấy tâm tình của nhau. Như tôi cảm được nỗi đau của người bạn mới, mái tóc cũng muối tiêu như mầu tóc của Paula, tay trái xoa bóp cho tay phải bớt bị tê sau cơn stroke, khi bạn nói đến tình hình của nhóm người nói tiếng Anh, là không có thành viên mới và tất cả thành viên cũ đều trên 65 tuổi.

Tôi yêu thích quá trình làm nhận định chung. Sau khi đã có dịp sống kinh nghiệm trong nhóm nhỏ và cầu nguyện riêng, chúng tôi phản ảnh trong nhóm lớn và lại tiếp tục lắng nghe, tiếp tục cùng tìm kiếm những ước mơ của Chúa. Cách nhận định chung không mới lạ với cộng đoàn ĐH, tuy nhiên qua qúa trình này, tôi có dịp khẳng định một cách thú vị là đi trong Chúa, mọi giống dân nói cùng một thứ tiếng, là tiếng của tình thương yêu.

Rồi, có sự thinh lặng đầy xúc động bao trùm không gian khi chúng tôi chứng kiến cảnh anh Liêm đứng đối diện với chị Mộng Hằng trên Cung Thánh. Khi ấy, chỉ là người đi trước chuyển cho người đến sau món quà tượng trưng cho quyền lãnh đạo CLC-Hoa Kỳ với lời nhắn nhủ chân thành ngắn gọn. Vậy mà hình ảnh này khơi dậy mạnh mẽ thế nào là một sự đáp trả. Cách chung, là đáp trả lời mời gọi của Chúa dành cho mỗi người. Cách riêng, là cộng đoàn ĐH đáp trả sự mở cửa đón nhận của CLC Hoa Kỳ để ĐH được trở nên một phần tử của CLC thế giới, trực thuộc Tòa Thánh và vâng theo Đức Giáo Hoàng.

Sau đó, chương trình văn nghệ ‘Pittsburgh By Night’ với những trận cười ngả nghiêng đến chẩy nước mắt có một nét đặc biệt. Cũng là văn nghệ bộc phát, bỏ túi, tự biên tự diễn đã xảy ra ở nhiều nơi. Cái hay ở đây là tất cả mọi người, đúng là tất cả mọi người, kể cả những người khi đi đứng phải dùng xe lăn, đã cùng đóng góp. Cái duyên Chúa cho như đến từ chính những giới hạn này, phải không?.

Nhìn chung, những kinh nghiệm của tôi tại Pittsburgh với những người khác mầu da và văn hóa, dù chỉ qua một cuối tuần, cũng quý giá như những kinh nghiệm tôi đã từng có với các bạn trong cộng đoàn Đồng Hành. Chúng tôi đã chia tay nhau trong lưu luyến và cùng cầu nguyện cho nhau về những điều cần phải làm khi trở về với vùng của mình.

Vâng, không phải là ‘họ’ và ‘mình’, mà là ‘chúng tôi’. Đó là món qùa lớn nhất mà tôi nhận được tại Pittsburgh. Xin tạ ơn và vinh danh Chúa.

Như Liên


+ + +

No comments:

Post a Comment