Tôi và Cha không có liên hệ họ hàng gì cả. Tôi gặp Cha lần đầu khi Cha giúp nhóm tôi làm tĩnh tâm một ngày. Người trưởng nhóm tôi lúc đó khen Cha về mọi mặt và muốn nhóm biết Cha. Anh đề nghị nhóm mời Cha giúp tĩnh tâm.
Gặp Cha, tôi thất vọng. Tôi thuộc loại điếc trong tâm hồn. Tôi nổi tiếng lo ra và hay ngủ gật. Vì thế, tôi thích Cha nào có giọng nói sang sảng, hùng hồn, để dù tâm hồn tôi có ở trên mây, giọng nói đó cứ rót vào tai.
Cha không giống như những gì tôi mong đợi. Giọng nói của Cha chỉ vừa đủ nghe, đôi khi còn bị ngắt quãng. Muốn hiểu Cha, tôi phải thật chú tâm, không được ngủ gật, không được thả hồn lên mây. Tôi khổ sở "chiến đấu" với những cơn buồn ngủ. Thêm vào đó, tôi phải dồn hết tâm trí để lắng nghe Cha. Có những lúc tôi đã bỏ cuộc và không thèm nghe Cha nữa. Trong khi mọi người trong nhóm phấn khởi, với tôi, một ngày tĩnh tâm đó dài vô tận. Tôi cho Cha điểm nhiệt tình, có thế thôi.
Thời gian lẳng lặng trôi qua. Tôi bận rộn, quay cuồng với bao chuyện đời thường. Cho tới một lúc tôi cảm thấy mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Tôi muốn tham dự một khóa tĩnh tâm. Tôi muốn đến để xin Chúa "đóng ấn" cho một quyết định.
Nơi tôi ở lúc đó chỉ có một khóa tĩnh tâm do Cha hướng dẫn. Nhìn thấy tên Cha trên tờ thông tin, tôi thất vọng. Thà là tôi chưa gặp Cha bao giờ, chưa biết cách Cha giảng phòng, tôi sẽ "thử" một lần cho biết. Nhưng đàng này tôi đã biết Cha rồi, biết cái khổ của mình khi phải lắng nghe Cha. Tuy vậy, tôi vẫn "liều"ghi danh tham dự. Vài ngày sau đó, tôi mới biết đó là khóa dùng tiếng Anh. Tôi sang Mỹ lúc gần mười chín tuổi. Trình độ Anh ngữ của tôi vừa đủ cho tôi kiếm được mảnh bằng đại học và một công việc kiếm sống. Hàng ngày tới sở làm, tôi phải cố gắng vận dụng hết vốn ngoại ngữ để có thể nghe và hiểu mọi người chung quanh. Tôi thích dùng tiếng Mẹ đẻ nơi nhà Chúa vì tôi sẽ hiểu được hết mọi sự. Tôi không muốn phải lo lắng về tiếng Anh của mình trong thánh lễ, và nhất là trong khóa tĩnh tâm. Tôi nản lòng vô cùng. Với trình độ Anh ngữ căn bản của tôi, cộng thêm giọng nói khó nghe của Cha nữa thì làm sao tôi "sống" nổi trong ba ngày? Tôi muốn rút lui, nhưng lại cảm thấy ngại với ban tổ chức vì tôi quen biết họ. Vả lại, tôi nghĩ ngợi vì thấy mình không có lý do chính đáng. Tôi đành phải tham dự khóa. Tôi tự an ủi: nếu mình không học hỏi được gì thì ít ra cũng có được những ngày ăn ngon và ngủ yên.
Chính vì lo lắng về vấn đề ngôn ngữ của mình và sợ không hiểu Cha, tôi chuẩn bị cho mình thật kỹ càng. Tôi ráng ngủ thật no giấc trước giờ thuyết giảng. Khi vào phòng họp, tôi chọn chỗ ngồi gần Cha nhất. Tôi cố gắng tập trung tư tưởng, mở to mắt và dỏng tai lên để có thể nghe và hiểu Cha. Vì thế, những bài giảng của Cha bắt đầu thu hút và đánh động tôi. Cha rất chân thật khi nói về ơn gọi và về những khó khăn, những thử thách trong việc chọn Chúa. Là một linh mục đi rao giảng lời Chúa, giọng nói tốt là một khí cụ rất quan trọng. Cha lại không được như thế. Cha tâm sự về những mặc cảm, những thách đố và những nỗ lực để tới một ngày Cha đã chấp nhận được khiếm khuyết này và coi đó là một món quà của Chúa. Chính vì không có được giọng nói sang sảng nên khi Cha nói, mọi người sẽ phải yên lặng lắng nghe. Những chia sẻ của Cha làm tôi thẹn trong lòng. Trong khi Cha phải phấn đấu mỗi ngày với giọng nói của mình, tôi lại là kẻ chê bai Cha. Cha có cả một kho tàng. Kho tàng đó ẩn lấp sau cái giọng nói không rõ ràng và không chút hấp dẫn. Kho tàng ấy chỉ dành cho những ai khao khát kiếm tìm. Kho tàng ấy chỉ dành cho những ai biết kiên nhẫn lắng nghe.
Ba ngày tĩnh tâm thật quý giá đối với tôi. Tôi đã được nghỉ ngơi và được Cha chăm sóc tận tình. Tôi hiểu Cha nhiều hơn và học hỏi được nơi Cha rất nhiều; không chỉ kiến thức, nhưng chính con người đầy nhiệt huyết, chân thật, khiêm tốn và đầy yêu thương của Cha. Cha và tôi gần gũi hơn từ đó. Mỗi lần có dịp gặp lại tôi sau đó, Cha giới thiệu tôi với mọi người bằng câu "Người này rất đặc biệt!" Tôi đến khóa tĩnh tâm với bao ngổn ngang trong lòng. Tôi cảm giác lòng mình giống như một đống rác rưởi. Cha đã phải tốn biết bao nhiêu thời giờ với tôi. Vậy mà Cha vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Cha đã thấy gì nơi đống rác rưởi hôi thối ấy?
Hai năm sau khóa tĩnh tâm, tôi lại có dịp tham dự một khóa tĩnh tâm và huấn luyện với Cha. Tối khai mạc, tôi tới trễ. Khi bước vào phòng họp, Cha giới thiệu tên tôi và "thòng" thêm một câu "Người này rất rộng lượng!" Từ ngày biết Cha cho tới giây phút đó, tôi chưa một lần quà cáp, biếu xén Cha cái gì, tại sao Cha nghĩ tôi rộng lượng? Tuy vậy, tôi cảm thấy vui vui vì biết Cha nghĩ tốt về tôi.
Một trong những bài giảng của Cha trong khóa là sống thật với chính mình. Sau đó, Cha hướng dẫn một nhóm nhỏ cầu nguyện, trong đó có tôi. Ngồi ngoài trời nắng ấm với chút gió nhẹ, tôi không sao kiềm nổi cơn buồn ngủ. Tôi cố gắng lắm, nhưng cuối cùng tôi đành chịu thua cuộc. Tôi ngủ gần hết giờ cầu nguyện. Tỉnh dậy, tôi bắt đầu lo lắng. Tôi không biết phải trả lời thế nào nếu Cha hỏi về giờ cầu nguyện. Nếu tôi khai thật là mình đã ngủ ngon lành, tôi sợ Cha không quý tôi nữa. Còn nếu tôi nói dối, Cha mà biết được, tôi sẽ xấu hổ lắm. Tôi quyết định can đảm thú nhận sự thật với Cha và mọi người. Tôi không biết Cha nghĩ gì, nhưng tôi cảm thấy rất thanh thản và bình an. Tôi biết mình đã bắt đầu tập "sống thật."”
Giống như ông Gia-kêu tội lỗi ngày xưa ước ao được Chúa Giêsu yêu thương và được Ngài đến viếng thăm, tôi cũng mong có một ngày Cha đến thăm vợ chồng tôi. Tôi lấy hết can đảm, lí nhí mời Cha. Đắn đo một chút, nhưng rồi Cha cũng nhận lời tôi. Tôi vừa vui, vừa lo lắng, sợ mình không đón tiếp Cha chu đáo. Tôi không biết phải nấu món gì cho Cha. Cao lương mỹ vị thì tôi không biết nấu. Tôi chỉ biết "vài chiêu" căn bản. Đưa Cha ra tiệm ăn thì sợ Cha không thoải mái. Cuối cùng tôi quyết định nấu món canh sở trường của mình. Nào ngờ đó lại là một trong những món canh mà Cha rất thích. Thế là ba Cha con tôi vui vẻ dùng cơm tối với nồi canh khoai môn nóng hổi ngào ngạt mùi ngò om. Mặc dù Cha đến thăm vợ chồng tôi chỉ một đêm, căn nhà nhỏ bé của chúng tôi ấm cúng hẳn lên. Riêng tôi, sự hiện diện của Cha là một khích lệ rất lớn.
Tôi may mắn được dự thêm một khóa tĩnh tâm thinh lặng nữa với Cha. Đúng vậy, ngày xưa đi dự khóa với Cha là chuyện bất đắc dĩ. Bây giờ biết Cha rồi thì là chuyện may mắn. Khác với lần đầu dự khóa, lần này tôi đến với một tâm trạng khá bình an. Thật ra thì tôi có một "cục bướu" trong tâm hồn. Nhiều năm trôi qua, "cục bướu" trở nên quen thuộc. Thỉnh thoảng nó tấy đau, nhưng rồi với thời gian, cái đau cũng qua đi. Mỗi khi tham dự khóa tĩnh tâm, tôi thường xin các Cha “xức dầu” cho “cục bướu” rồi lấp nó lại và tiếp tục cuộc sống. Lần này, tôi cũng làm như thế, nhưng Cha đã không để cho tôi tiếp tục chôn dấu nó. Cha ân cần hỏi thăm và mời tôi chia sẻ về "cục bướu." Cha không kết án tôi, nhưng cảm thông với những nỗi đau buồn, những trắc trở mà tôi đã và đang trải qua. Cha xác định với tôi "cục bướu" này chính là vấn đề chính của đời tôi. Cha khuyên tôi nên đến với thầy Giêsu bởi vì chỉ có Ngài mới có thể "mổ" được "cục bướu" này. Tôi buồn và hơi giận Cha. Tại sao Cha không làm như các Cha khác đã làm: khuyên bảo vài câu và chúc lành, rồi để tôi lên đường? Tại sao Cha lại mời tôi nhìn sâu vào căn nguyên và những nỗi buồn đau "cục bướu"” gây ra? Những lần khác, tôi hăng hái "xuống núi" khi nhận ra lời mời gọi cộng tác với Chúa. Lần này Chúa mời tôi thay đổi bản thân. Tôi rời khóa lòng nặng trĩu. Tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu, bởi lẽ "cuộc chiến" dài nhất và gay go nhất là cuộc chiến với chính bản thân.
Tôi còn có một "cục bướu" khác nhỏ hơn. Đó là một người bạn thân ở đại học. Tôi giận cô ta khá lâu vì những gì cô ta nói làm tổn thương tới tôi. Mặc dù sinh hoạt chung một nhóm, bao năm nay tôi chẳng thèm nói chuyện với cô ta; nhiều lắm là một câu chào qua lệ. Gặp bố mẹ, anh chị em cô ta ở nhà thờ tôi cũng tảng lờ. Cô ta muốn làm hòa với tôi vài lần, nhưng tôi nhất quyết không chịu. Tự ái của tôi quá cao!
Người bạn này lúc đó đang trải qua một thử thách lớn trong đời. Có mấy lần bạn bè tôi rủ tới thăm cô ta, nhưng tôi khéo léo từ chối. Một ngày đẹp trời nọ, sau giờ cầu nguyện buổi sáng, một tia sáng loé lên trong đầu. Tôi sẽ "cắt" cục bướu nhỏ trước. Thế là tôi quyết định tới thăm vợ chồng cô. Vì lâu rồi tôi không liên lạc với cô ta, nên tôi chẳng có số điện thoại. Tôi phải gọi hết người này tới người kia mới tìm được cô. Tuy vậy tôi vẫn nhất quyết kiếm cho bằng được. Chiều đó tôi gặp cô tại nhà riêng. Chúng tôi không nhắc gì đến quá khứ, chỉ chia sẻ với nhau về những thách đố vợ chồng cô đang phải đương đầu với. Tôi hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho cô và gia đình. Cô ta nhắc tới món bún mà thời đi học tôi đã chỉ cho cô nấu. Chúng tôi chọn một ngày nấu ăn chung và mời mọi người trong nhóm tới ăn. Mặc dù không ai nói gì, chỉ vui vẻ thưởng thức các món ăn, nhưng tôi biết họ rất ngạc nhiên về hành động của tôi. Bao nhiêu năm nay một câu chào cũng không có, bây giờ lại tỏ ra thân tình với nhau? Tôi không biết cô ta nghĩ gì, nhưng tôi cảm thấy rất thanh thản và bình an. Tôi đã trút được một gánh nặng! Tôi sung sướng chia sẻ kinh nghiệm này với Cha. Giọng Cha như reo vui bên đầu giây điện thoại bên kia. Chắc Cha hãnh diện về đứa học trò như tôi?
Bước đầu của cuộc chiến với bản thân tạm coi là thành công. Cục bướu nhỏ đã được cắt. Tuy nhiên, cục bướu to đùng vẫn nằm đó. Mỗi lần nghĩ tới nó là tôi lại bực tức và bất an trong lòng. Tôi cảm thấy thất vọng với chính mình. Bao nhiêu khóa tĩnh tâm, bao nhiêu bài học, bao nhiêu lời khuyên bảo, cuối cùng tôi vẫn là tôi. Tôi buồn buồn hỏi Cha rằng nếu tôi chẳng bao giờ thay đổi, nếu cục bướu vẫn còn đó, Cha có còn quý tôi nữa không? Không một chút đắn đo, Cha nhìn thẳng vào mắt tôi và trả lời rằng Cha luôn mến tôi cho dù tôi có trở nên tốt hơn hay không. Cha biết tôi rất quý Cha và tôi sẽ làm những gì Cha khuyên. Vì thế, Cha nhắc nhở tôi hãy làm vì mình muốn làm, chứ đừng làm vì Cha. Câu trả lời của Cha làm cho tôi khổ sở. Tại sao Cha không làm như đa số các cha mẹ khác vẫn làm: con cái đứa nào giỏi giang, ngoan ngoãn, vâng lời thì được thương nhiều hơn là đứa hư đốn? Tại sao Cha có thể quý tôi khi tôi phí phạm bao nhiêu thời giờ và công sức của Cha mà vẫn chưa đi đến đâu? Phải chăng Cha là hình ảnh của một vị Cha chung trên trời: luôn kiên nhẫn, yêu thương và tha thứ?
Tôi cảm tạ Thiên Chúa đã cho tôi được gặp gỡ, được đi tĩnh tâm và được làm việc với Cha. Chính cái đơn sơ, cởi mở và tấm lòng bao dung của Cha làm cho tôi tuy quý trọng Cha, nhưng lại cảm thấy rất gần Cha. Cha giúp tôi nhận ra con người thật của chính tôi với những ưu, khuyết điểm; với những nỗ lực, những ước mơ và những bất toàn.
Cuộc sống sẽ đổi thay. Có thể tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại Cha nữa, nhưng những gì tôi đã học biết nơi Cha là những hành trang rất quý giá với tôi trên hành trình đức tin. Những lúc tôi chán nản, thất vọng; những lúc tôi gặp khó khăn trong đời sống, lời Cha như vọng lại bên tai tôi: “Con là con rất dấu yêu của Chúa, con phải nhớ dành giờ cho Chúa, con làm việc của con thôi và hãy để Chúa làm việc của Ngài.”
Hàng ngày, tôi vẫn cầu nguyện cho Giáo hội Công giáo, cho Đức Giáo Hoàng, cho các giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ. Tôi vẫn cầu nguyện cách riêng cho quý cha, quý soeur mà tôi quen biết hay có dịp gặp gỡ. Tôi biết tôi không được thiên vị, nhưng tôi vẫn muốn nài xin Chúa thương Cha đặc biệt hơn chút xíu.
Tôi biết Cha thuộc về Chúa. Tôi biết Cha không phải của riêng ông bà cố, của riêng dòng Tên, của riêng một hội đoàn hay một cá nhân nào. Nhưng xin cho tôi được một lần gọi Cha là “Cha tôi” như một món quà rất quý giá, nhưng rất gần gũi, rất thân thương mà Thiên Chúa đã ưu ái ban cho đời tôi.
Chuột nhắt
Xin kính tặng Cha Đinh Minh Trí, S.J.
nhân kỷ niệm mười năm Chúa chọn Cha làm linh mục,
27 tháng 5 năm 2010.
Friday, May 7, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment