Chào cả nhà,
Vậy là chương trình năm ba cho mục vụ truyền giáo của em đã gần xong. Tạ ơn Chúa, cám ơn các bác luôn đồng hành cùng em trong lời cầu nguyện. Hy vọng tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa luôn ở mãi trong mỗi người chúng ta nhất là trong mùa chay này.
Sau khi đi mục vụ cho bà con nghèo về, em có viết lại một suy tư nho nhỏ. Xin gửi mọi người đọc cho vui và sau đó là thêm lời cầu nguyện cho những mảnh đời bất hạnh mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.
Một lần nữa, chào cả nhà. Chúc mọi người vui và bình an trong Chúa nha.
Fr. Trần Minh Quân, S.J.
+ + +
Chắc bạn cũng đồng ý với tôi là cuộc sống của chúng ta hôm nay xem ra rất quay cuồng vội vã. Niềm tin và thực tế dường như không cùng bước đi trong một vũ điệu. Ta có thể thấy Chúa trong lời kinh và tiếng hát, nhưng tìm ra khuôn mặt của Người giữa chợ đời bon chen thì chẳng dễ chút nào. Bởi đó bài hát sinh hoạt thuở còn bé “Vào Đời Tìm Chúa KiTô” đã hơn một lần khiến lòng tôi chùng lại: “Với gói hành trang tôi vào đời tìm Chúa Kitô. Với gói hành trang tôi lang thang tìm con Thiên Chúa. Hai ngàn năm đã qua đi rồi, giờ này Người ở đâu? Giờ này Người ở đâu trong rạp hát hay trong phòng trà, trong thương xá hay đêm màu hồng? Người ở đâu cho hồn tôi chơi vơi giữa chợ đời hôm nay?” Thật gần gũi, thật dễ thương, nhưng cũng rất thách đố, phải không bạn? . . .
Một phần mục vụ trong chương trình năm ba của các tu sĩ Dòng Tên tại Phi Luật Tân là đi tìm bóng hình của Thiên Chúa trong cuộc sống. Có người chọn cách tìm Chúa trong môi trường giáo dục. Có người đi vào vùng sâu vùng xa nơi cỏ dại mọc quá đầu người và thú hoang lởn vởn quanh nhà như thể giữa chốn không người. Lại cũng có anh đi tìm Chúa giữa những mảnh đời bất hạnh. Tôi thuộc vào nhóm thứ ba này. Sau thánh lễ sai đi của cha linh hướng, tôi vác gói hành trang lên đường tìm đến Tondo, một trong những vùng nghèo nhất nước Phi. Chẳng những nghèo mà nó còn nổt tiếng với hàng triệu tấn rác từ khắp nơi đổ về. Và tất nhiên, vòng quanh những núi rác khổng lồ đó là gần một trăm ngàn con người ngày đêm cắm mặt tìm kế sinh nhai. Đường từ Quezon City về Tondo không xa, nhưng các khu nhà ổ chuột xấu xí ẩn nấp đằng sau những tòa nhà to lớn ngạo nghễ đã khiến tôi phải tự hỏi: “Vâng lạy Chúa, giờ này Người ở đâu giữa những tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi và những khuôn mặt đen đủi nhếch nhác vì cuộc sống?”
Missionaries of Charity – điểm dừng chân thứ nhất:
Theo sự sắp xếp của Cha Roger, tôi sẽ đến làm việc tại một trung tâm nuôi dưỡng người già và khuyết tật bị bỏ rơi do các sơ dòng Mẹ Teresa chăm sóc. Trung tâm không lớn lắm nhưng cũng cưu mang tới trên 80 con người. Công việc thường nhật của tôi là thay và trải lại những tấm drap giường vào mỗi sáng, giúp một số bệnh nhân tắm rửa, cho họ ăn trong ngày, cắt móng tay, chăm sóc các vết thương, cho uống thuốc, lắng nghe tâm sự và nỗi buồn của họ, làm lễ, xức dầu, giải tội, làm phép xác, và dạy học cho gần 50 em học sinh nghèo sống quanh trung tâm.
Tôi còn nhớ mãi ánh mắt xa vắng của một bà cụ trên 70 tuổi. Thập cổ lai hy, trải đời đã khá nhiều nhưng đến lúc về già lại phải tức tưởi với tâm tình: “Tôi rất cô đơn cha ơi. Chẳng còn họ hàng nào muốn chấp nhận tôi nữa rồi.” Cuộc sống đẩy đưa, bà dành những chuỗi ngày của tuổi trẻ trong công việc làm vú em cho một gia đình giàu có tại Manila. Giật mình nhìn lại, xuân thì đã đi vào dĩ vãng và bởi đó đành chấp nhận cảnh làm gái chẳng chồng cũng không con. Rồi tuổi già ập đến, gia chủ thấy bà chẳng còn làm được việc như xưa nên cho bà ra đi. Bà lặng lẽ xách bị về ở với đứa cháu ruột. Được đúng một ngày, thằng cháu nghèo đã phải mời bà ra khỏi nhà anh trong nước mắt: “Dì ơi, nhà cháu cũng có tới bảy miệng ăn. Làm tối ngày cũng không đủ sống. Giờ thêm dì về nữa là chết cháu rồi. Thôi dì ráng ra ở dưới gầm cầu Katipunan may ra có ai thương tình cho dì thức ăn hay tiền bạc để dì sống những chuỗi ngày còn lại.” Bà đã sống dưới gầm cầu ấy cả năm cho đến khi các sơ đưa về trung tâm. Trách ai bây giờ nhỉ, ông trời, xã hội, cá nhân bà cụ, hay thằng cháu kém yêu thương?
Tôi cũng chẳng quên được những dòng nước mắt ngắn dài của người mẹ trung niên cụt chân. Chồng bà bỏ đi khi ba đứa con hãy còn chập chững. Sống trong lây lất với chúng được vài tháng thì bà nhận ra một thực tế phũ phàng: bà không có cách nào lo nổi cho chúng nữa và bởi thế bà buộc phải đem chúng về quê quẳng cho một gia đình phú nông hiếm muộn rồi trở lại Manila kiếm sống với những mong sẽ có lúc để dành đủ tiền chuộc lại con. Thời gian phi đi như vũ bão. Tiền không thấy chỉ thấy toàn bệnh tật và năm tháng chồng chất. Các con bà nay tán loạn mỗi đứa một nơi. Bà chẳng còn biết phương nào mà tìm. “Có những đêm gối tôi ướt sũng vì buồn cha ạ. Tôi quay quắt mơ được nhìn thấy chúng dù chỉ một lần trước khi nhắm mắt. Nhưng cả khuôn mặt của chúng tôi cũng không hình dung ra. Tôi đã bỏ chúng ra đi đến hai mươi mấy năm trời. Thằng lớn năm nay đã ngoài 30, con giữa 28 và thằng út cũng 25 rồi còn gì. Giờ này chúng ở đâu, đang làm gì và khi gặp tôi chúng có nhận ra hay thấu hiểu và tha thứ cho mẹ của chúng?” Nói đến đó, bà ôm mặt tức tưởi.
Rồi ánh mắt vô hồn của một cậu bé tâm thần bên gốc cây trong trung tâm cũng làm tôi ái ngại. Gia đình em quá nghèo nên việc chữa trị cho em là chuyện không tưởng đối với họ. Một ngày họ thuê xe chở em đến một khu chợ xa và bỏ em ở lại. Và đó là lý do em trở thành một thành viên mới của trung tâm. Có những chiều tôi đến bên cạnh em ngồi và chăm sóc những vết thương còn sót lại trên thân thể của nó. Vẫn ánh mắt vô hồn nhưng đôi môi của nó bắt đầu nở ra những nụ cười. Theo thời gian, nó bắt đầu gắn bó với tôi và hôm từ biệt trung tâm, nó đã làm chính tôi và các sơ ngỡ ngàng. Trong hàng nước mắt, nó ôm chặt tay tôi rồi nói: “Cha đừng đi.” Và đấy là câu nói đầu tiên tôi nghe được sau mấy tuần sống với nó.
Vâng tôi đã đi vào dòng đời của những con người đó và bóng hình của Đức Kitô vẫn còn chưa rõ nét. Thế nên ngay chính cá nhân mình khi đêm về tôi cứ phải vắt tay lên trán và tự vấn: “Giêsu ơi, giờ này Người ở đâu?”