Tuesday, April 28, 2009

Tôi đi làm mướn

Trong một ngôi làng nhỏ, người ta dễ dàng bắt gặp chàng trai Giêsu khỏe mạnh. Một chàng trai con bác thợ mộc.

Mới đầu người ta thấy hai cha con ngày ngày xách đồ nghề đi làm mướn, từ ngày cha chết, chỉ còn lại người con, ai kêu đâu thì tới đó, ai nhờ làm viêc gì thì làm việc nấy, làng mình rồi các làng bên, điểm nổi bật của chú thợ mộc Giêsu là dễ mến, được mọi người thuơng mến.

Đời làm mướn có gì vui buồn? không ai rõ lắm. Người ta dễ dàng nhận thấy nơi Giêsu một chàng trai trọng ân nghĩa, dưới cái nhìn của đạo Do Thái thì chàng trai con bác thợ mộc Giuse là người luôn sống trong ân nghĩa trước Thiên Chúa và mọi người.

Sống cuộc đời làm người giống như chúng ta mọi đàng, một người nghèo giữa những người nghèo, Giêsu cũng phải đi làm mướn mỗi ngày để kiếm cơm ăn nuôi thân và nuôi mẹ.

Có gì khác biệt giữa đời làm mướn của Giêsu hôm qua và đời làm mướn của tôi hôm nay.

Một cô nuôi dạy trẻ
Một công nhân
Một người đi giúp việc nhà

Và trên các cánh đồng truyền giáo này, các chàng trai và các cô gái rủ nhau đi hái tiêu, lượm điều, nhổ khoai mì mướn, nghĩa là làm bất cứ công việc gì người ta kêu.

Thế còn tôi, một người được sai đi loan báo Tin Mừng, tôi đã làm gì trong cái thế giới quanh quẩn chỉ biết làm mướn với nương rẫy này.

Cùng với mấy người bạn trẻ nữa, chúng tôi đi làm mướn. Anh em chúng tôi có mặt thứ ba, và hôm sau là thứ tư lễ tro, thế là những ngày làm mướn được mở đầu với lời kinh sám hối, mà lại là lời kinh sám hối khi được đặt giữa các bạn nghèo.

Dĩ nhiên mới đặt chân tới đất này được một ngày thì chưa hiểu gì mấy, chỉ biết đây là những ngày tháng phải chung số phận với những con người nơi đây, cũng phải đi làm kiếm ăn hằng ngày với giá lương trung bình là 45 ngàn.

Những con nguời quen cầm bút, bây giờ ra lao động, theo những người sắc tộc đi làm mướn cho người kinh, hoặc làm mướn cho người sắc tộc, và phải làm suốt cả ngày, chuyện không dễ chút nào.

Thực ra đây cũng là chuyện bình thuòng của đời sứ vụ khi phóng cái nhìn về tương lai, nghĩa là mỗi người khi bước đi trên đường sẽ gặp phải những hoàn cảnh khác nhau, đôi lúc cũng khốc liệt đòi quyết liệt, và chúng tôi hăng hái bước vào để được rèn luyện, sống kinh nghiệm thực của một bước đường.

Không quen lao động, có thể sẽ đuối sức vì sức người có hạn, thế nhưng cái có hạn kia khi đem đặt trong cái vô hạn của Thiên Chúa thì đúng là trên cả tuyệt vời, và tất cả có thể lên đường không chỉ với sức lực riêng mình mà còn cả thần lực nữa, nhận thức điều này, một anh xưa nay vẫn tưởng mình yếu nhất trong các bạn cũng hăng hái không kém ai.

Thứ tư lễ tro, một ngày để rong chơi, chúng tôi tới thăm nhà một giáo lý viên và ăn cơm trưa ở đó. Nghe gia đình kể chuyện, tất cả đều cảm thấy mê mệt trước sức mạnh của niềm tin. Hai vợ chồng già yếu, không còn sức đi làm mướn thì đi mót, mùa nào mót thứ ấy, tháng chỉ có khoai mì thì mót được củ nào đem về lột vỏ thái phơi khô cũng qua ngày.

Thứ năm, ngày khởi công chia nhau tìm việc làm, ngày đầu tìm được việc làm là hạnh phúc rồi, nhưng hôm sau thì việc tìm người…

Qua ngày thứ ba, lời Chúa trong phụng vụ đưa chúng tôi vào sa mạc, đặt anh em chúng tôi trước thầy Giêsu, thì ra cơn cám dỗ muôn đời vẫn là ăn gì hay có gì để ăn, làm gì và đưọc gì. Con Thiên Chúa vừa mở đầu sứ vụ, cơn cám dỗ đã chợt đến, mà lại là ăn gì. Đời thừa sai hệ tại yêu mến và phục vụ, nhưng satan luôn thôi thúc phải làm gì chứ để đạt hiệu quả, và cuối cùng là cái đuôi danh lợi, tự tôn tự phụ, cái thói làm việc bác ái kẻ cả và trưởng giả.

Mặc cho những lý lẽ ngược xuôi của satan đang cố bày mưu tính kế, lý lẽ có vẻ không sai, mà chỉ để Ngôi Con tự tách mình khỏi Cha thôi, trước mắt là không bánh ăn, trong khi bàn tay vô hình của Cha thì ẩn khuất, phải lựa chọn thôi, và Giêsu đã chọn nép mình vào bàn tay ẩn khuất kia rồi chờ đợi, đơn giản mà lại chắc ăn hơn nhiều chứ. Con nhà ai mà khôn thế!

Thoát khỏi cơn cám dỗ ăn gì đến cơn cám dỗ làm gì và làm như thế nào cho dễ cho lẹ và cho có vẻ cao sang hơn người. Nỗi bận tâm về công việc có thể cũng gây nên những bước ngập ngừng cho người môn đệ, đối với Ngôi Con thì chỉ biết sống cho Cha, và chỉ làm điều Cha muốn Con làm.

Lượm điều, hái tiêu với nhổ khoai mì, gặp việc nào làm việc đó, lượm điều có vẻ mát mẻ hơn, nhưng nếu trúng vườn ít trái thì lên dốc xuống vực, đi tới đi lui mỏi gìò và mỏi lưng lắm, còn nhổ khoai mì thì một thân hai nắng, tuy nhiên cũng có những ngày Chúa thương cho trời mát đỡ khổ. Hái tiêu thì tối ngày đứng trên cao, nhưng vẫn chỉ là người làm thuê thấp bé, được chủ nhận cho làm là phúc lắm rồi, cũng phải ráng làm cho kịp anh kịp chị, chứ bị chủ không vừa ý là phiền, và phiền lụy cho cả người dắt mình đi.

Sau một tuần lễ làm mướn, anh em chúng tôi rất vui và cảm nhận nhiều ân phúc. Đặc biệt chàng trai trẻ bị coi là ốm yếu nhất vẫn khỏe, mấy ngày qua chỉ cần cố gắng một tí là được, cố gắng một tí thôi là đã lạc quan trước tương lai thì sướng quá rồi còn gì.

Nhớ buổi sáng đầu tiên đi hái tiêu, chị dắt mối hẹn 6 giờ phải có mặt, ôi làm gì mà sớm thế, không ai kịp ăn uống, thì ra vì sợ các chú đói, chị ta hẹn sớm để kịp ăn sáng nhà chị, đời sao lắm người tốt hơn mình.

Ngày đi làm, tối về theo các anh chị giáo lý viên vô làng cầu nguyện. Mỗi ngày một nhà, kinh đọc bằng tiếng của người sắc tộc chẳng hiểu gì, nhưng cứ nhìn những khuôn mặt sáng ngời qua từng lời kinh là có thể nhận ra ngay đôi tay hiền dịu của Thiên Chúa vô hình.

Ngài đang có mặt nơi đây, nhìn từng khuôn mặt tươi vui dù vẫn không che dấu nổi nét cơ cực, tôi nghe vọng lại trong tim lời mời gọi tất cả những ai mệt nhọc gồng gánh nặng nề hãy đến, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Đêm về sau một ngày mệt nhọc, lời kinh tối để mọi người đặt mình trong tay Chúa, để được bồi dưỡng và chữa lành. Đêm về, bàn tay Chúa ôm ấp từng người, săn sóc và chữa lành sau một ngày suy kiệt vì gánh nặng cuộc sống, để sáng hôm sau tất cả có thể vùng dậy, tươi vui với gánh nặng ngày mới.

Lặng nhìn bàn tay Thiên Chúa săn sóc và chữa lành những đứa con suốt đời nghèo khổ, người được sai đi cảm nếm cái ách êm ái, cái gánh nhẹ nhàng của Đấng mang khuôn mặt hiền dịu và khiêm nhường. Điều gì đang diễn ra nơi cung lòng của Con Thiên Chúa lúc này khi cố ôm ghì những đứa con đói khổ vào lòng, thương lắm và cũng lắm xót xa. Còn trong cái thế giới xa hoa kia, nơi những kẻ cậy mình có của có quyền, anh em chúng tôi đã cảm nhận được gì? Cũng giống như những gì đang diễn ra nơi cung lòng của Con Thiên Chúa, đấng được sai đến để đem lại cho con người ơn tha thứ, không cay đắng, nhưng tha thứ, lạ lùng quá, để cái thế giới ích kỷ tội lỗi kia cũng hồi sinh trong ơn thánh.

Trong mắt và nơi cung lòng của Con Thiên Chúa là chữa lành và tha thứ, êm ái và dịu ngọt làm sao, một trái tim đủ sức chữa lành và đem lại ơn tha thứ, có sức xóa nhòa tội lỗi của môt thế giới nhiều phen làm ta choáng váng và bất lực.

Thì ra nhiều khi người ta cứ mãi lo làm gì trong khi cái cần là để trái tim mềm mại kia tha thứ, chữa lành và uốn nắn. Trong thân phận của người đi làm mướn với những người cả đời làm mướn. Sau một tháng, chúng tôi đã có thể bước vào nhà của những người chỉ biết làm mướn từ nhà này sang nhà khác và như nhìn thấy bàn tay vô hình kia không ngừng chữa lành và bồi dưỡng. Làm sao có thể tin được trước cảnh một thanh niên tuổi quá đôi mươi mỗi ngày đi làm mướn, với năm chục ngàn mà phải lo cha ốm, mẹ bệnh, chị yếu, sáng nhịn đói đi làm, chiều về săn sóc cha, tối đến nhà bà con trong sóc cầu nguyện, đặt lưng lên giường đã khuya khoắt rồi. Có người chủ đã nói anh theo đạo làm gì để không có thời giờ nghỉ ngơi, nhưng với anh đời không có Giêsu thì sống để làm gì và cũng chẳng đủ sức để sống. Không biết có ai đồng ý với anh ta chăng!

Chúng tôi những chàng trai với những cảnh đời biết bao khác biệt, tránh sao khỏi xích mích. Thói quen làm thầy mấy ai chịu ai. Hòa mình với bà con thật dễ dàng, nhưng lại khó hòa hợp với nhau. Tuổi trẻ vẫn vậy, bồng bột, chứ đằm thắm thì sẽ bị coi là cụ non mất thôi.

Tuy nhiên, bất hòa dù không gây chia rẽ giữa anh em, nhưng đôi lúc lai trở thành gương xấu cho người khác, vì thế thời gian làm mướn cũng giúp anh em chúng tôi biết sống kiên nhẫn và bao dung, biết mở lòng và biết lắng nghe, mở lời và mở rộng vòng tay trong mọi tình huống, và cái thói coi trời bằng vung cũng tan biến dần.
Nhũng ngày làm mướn trôi qua mau lẹ, mới ngày nào nắm tay nhau buớc những bước ngỡ ngàng đi vào mái trường của người nghèo, nơi đây Thầy Giêsu trong dung mạo bác thợ mộc Nazareth từng bước uốn nắn và dạy dỗ bằng những bài học ân nghĩa không ngừng diễn ra giữa các bạn nghèo, ngày qua ngày, con tim trở nên mềm mại hơn, chúng tôi đã biết trọng ân nghĩa, biết lắng nghe nhau và chia sẻ, khác hẳn những ngày đầu.

Và cuối cùng những gì còn đọng lại?

Từ cuộc sống lao nhọc giữa những con người cơ cực, lúc nào chúng tôi cũng như thấy một bàn tay vô hình ẩn khuất, để từ đây không bao giờ rời mắt khỏi đấng vô hình, cảm nhận bàn tay Thiên Chúa để không hành động một mình, và lời kinh cuộc đời sẽ luôn là nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần, để thấy đời mình và đời người đang diễn ra trong Danh Thánh này.

Đã đến lúc chúng tôi phải theo chân thầy Giêsu lên đường loan báo Tin Mừng, chúng tôi không còn phải lo cái ăn cái mặc, vì đời thừa sai đặt tôi giữa mọi người và với mọi người thì chuyện ăn uống luôn là phúc trời và lộc người, nghĩa là ăn theo bà con, ăn với, ăn vì và ăn nhờ bà con nữa. Dù sao thì cũng phải làm một con tính chứ.

Sứ vụ hay công việc.

Một công việc luôn đòi tính đủ để sau khi đã khởi sự thì không bị dở dang.
Còn đời sứ vụ đòi linh động và phải quen tính thiếu, cũng như phải quen xử dụng đồng xu cuối cùng, để cho Đấng sai mình đi tính theo cách của Người. Do đó ngoài phần xây dựng cơ bản như nhà cửa, đất đai nếu có, cho đến nay, tất cả những chuyện khác đều được thực hiện từng bước. Nếu có ít tiền thì chi tiêu những gì tối thiểu, nhiều hơn thì thêm bánh kẹo và băng đĩa, dầu xoa bóp, và tiền xe cho anh em cũng dồi dào hơn, rồi còn thêm bột canh bột ngọt để vào nhà của bà con trong các làng anh em được sai đến có chút quà mọn, không phải để đổi lấy bữa cơm, nhưng nếu có thì bữa ăn cũng vui thêm. Tôi luôn tự nhủ rằng người tính sao bằng trời tính, đi loan báo Tin Mừng chứ có đi xây dựng nhà cửa cầu cống đâu mà cần tính đủ để công trình khỏi dở dang. Chỉ thương anh em lên đường quá trơ trụi, vẫn biết rằng trên đường thi hành sứ vụ, của ăn chính là thi hành ý Cha. Cứ mỗi lần đứng nhìn một bữa tiệc ngon, tôi lại nghĩ đến những người anh em đơn nghèo mà thấy tội, vì thế được chia sẻ những bữa ăn với anh em là hạnh phúc ít ai có được, ngược lại khi phải ngồi vào bàn tiệc sang trọng thì khó nuốt lắm. Nỗi lòng của đời thừa sai là thế, thuộc về những người mình được sai đến, miệt mài giúp anh em đọc từng trang Tin Mừng, khao khát và cùng dìu nhau vào chính cung lòng của Con Thiên Chúa, đấng làm trào lên từ nơi mỗi người nước hằng sống, và khóa học luôn là bữa tiệc vui, ở đó thầy với trò chung một vòng tay Thiên Chúa, trong vòng tay này chẳng ai tiếc ai điều gì. Một người mẹ mới tới học lần đầu tiên, mới tới đã xin về, không tiếc và cũng chẳng giữ ai, nhưng phải đợi sáng hôm sau, hôm sau chị xin học tới chiều, tới chiều chị xin ở lại luôn hết khóa, thế là sau một buổi chiều và một buổi sáng, chị cảm nếm ơn an bình, không chỉ trong lòng mình, mà cả ở nhà, nơi chị rời xa lần đầu tiên đầy lo âu, chị nhớ và lo cho đứa con nhỏ nhất, nhưng trưa nay chị đã biết đặt con trong tay Chúa, hoàn toàn thanh thản, vì chị thoáng nhận ra một vòng tay quyền năng và đầy yêu thương, chắc chắn hơn chị tưởng.

Lên đường thi hành sứ vụ với con tim của người nghèo, lúc nào cũng cứ như thiếu nhưng thực tế lúc nào cũng đủ để trao, trong túi lúc nào cũng hết mà lại cứ vẫn còn, và trong mọi trường hợp cần thiết đều có thể đưa tay phụ giúp, từ một người bạn cùi bỗng dưng tìm đến, cho tới mấy bé học sinh không đóng đựoc tiền trường, người bệnh đi nhà thương không có tiền. Khi không làm gì được nữa thì ngồi khóc, khóc với Đấng đang khóc thương dân chúng lầm than, và dĩ nhiên trong một vài trường hợp phải vay mượn, cứ vay rồi sẽ có Đấng sai người đến trả.

Tính đủ có nghĩa là thiếu. Anh em tới thỉnh thoảng cũng cần có cái bánh nhấm nháp, đến khi về làng cũng phải có mấy gói kẹo cho vợ con lối xóm mừng. Người dân tộc đi ăn tiệc luôn nghĩ tới người ở nhà, vì thế các bữa tiệc theo truyền thống luôn có phần đem về. Rất tiếc từ từ cũng bị kinh hóa qua những bữa tiệc chỉ biết có mỗi cái miệng của mình.

Không có tôi, thế giới chẳng thiếu gì. Thế nhưng khi có mình, chẳng biết có thể làm chi được cho nhân thế, chỉ biết mình cứ phải là mình, một người được sai đi loan báo Tin Mừng, phải biết giãi bầy và chỉ cho người ta thấy đôi tay trìu mến của Thiên Chúa đấng xót thương con người và đặc biệt những con người đang trong cảnh khốn cùng.

MMsj

No comments:

Post a Comment